Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Ngành Công Thương tỉnh Long An

Tái cơ cấu để phát triển bền vững

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Long An nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2015, ngành Công Thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,1%/năm

Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp cho biết, đề án tái cơ cấu ngành Công Thương được xây dựng nhằm thực hiện lộ trình và bước đi phù hợp, khắc phục các tồn tại, hạn chế về cấu trúc hiện trạng, từ đó phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của ngành. Đến năm 2020, Long An cơ bản chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; góp phần quan trọng vào việc tạo tiền đề vững chắc để Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Trong tầm nhìn từ sau năm 2020 đến năm 2030, ngành Công Thương tăng trưởng theo chiều sâu nhằm hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Trong năm 2015, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 16%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,1%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh chiếm 39%. Phát triển kết cấu hạ tầng cần thiết và thu hút đầu tư, phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy 90% đối với 14 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động; tất cả các CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm công suất xử lý toàn CCN. Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) - Lê Tấn Hùng cho biết thêm, giai đoạn 2016-2020, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu, CCN; phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy 100% đối với 14 CCN đã hoạt động trước năm 2015 và lấp đầy 40%-50% đối với các CCN hoạt động sau năm 2015; 100% CCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hình thành từ 1 đến 2 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các CCN ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng bình quân 15,5-16%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn này tăng 17%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong GDP (giá hiện hành) chiếm 43-45%.

Về thương mại, ngành tiếp tục thu hút đầu tư trung tâm thương mại, tuyến kho vận - chế biến - kinh doanh lúa gạo tại TP.Tân An và các huyện lân cận; từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng các ngành sản xuất hàng hóa. Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm 2015 ước tính tăng 11,6%; giai đoạn 2011 - 2015 kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 16%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 22%/năm. Năm 2015, tỷ trọng thương mại trong GDP của tỉnh chiếm 8,5%. Giai đoạn 2016 - 2020, phát triển các trung tâm thương mại tại TP.Tân An, thị xã Kiến Tường và các thị trấn: Bến Lức, Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Cần Đước, Cần Giuộc. Xây dựng các trung tâm dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị như: Dịch vụ logistics tại các cảng xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là tại cảng Long An, kho vận, công nghệ thông tin, các tiện ích, nghiên cứu thị trường, dịch vụ tài chính,... Giá trị tăng thêm của ngành thương mại tăng bình quân 11,5%/năm (giá so sánh 2010). Tỷ trọng thương mại trong GDP (giá hiện hành) chiếm 10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 22%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 18%/năm và kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 15%/năm.

Ở giai đoạn 2021 - 2030, ngành Công Thương phấn đấu tỷ trọng công nghiệp trong GDP ổn định ở mức 45 - 46%, về thương mại, phấn đấu giá trị tăng thêm bình quân 11%/năm; tỷ trọng thương mại trong GDP chiếm 12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 20%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm và kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 12%/năm.

Để thực hiện tốt việc tái cơ cấu, ngành Công Thương xây dựng nhiều giải pháp như: Phát triển hài hòa công nghiệp, thương mại trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương; Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý, giám sát thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch; Nâng cao tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực; Củng cố, phát triển các kênh phân phối, khuyến khích đầu tư các loại hình thương mại hiện đại đồng bộ với phát triển các khu đô thị, các khu, CCN; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại,… 

Thái Chuyên-Mai Hương

Chia sẻ bài viết