Tiếng Việt | English

14/05/2025 - 10:00

Tái diễn luận điệu xuyên tạc về 'dân chủ, nhân quyền'

Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, trong đó có bảo đảm nhân quyền, góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước. Thế nhưng, các thế lực thù địch không ngừng tái diễn luận điệu và liên tục chĩa mũi dùi xuyên tạc dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng Internet, mạng xã hội, các diễn đàn, phương tiện truyền thông, xuất bản, báo chí ở nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị; thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam; bôi nhọ, nói xấu Đảng và Nhà nước ta.

Chúng rêu rao Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, tự do tôn giáo, phân biệt đối xử; bắt và giam giữ nhiều “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”,... Chúng lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh vì nhân quyền” để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng việc chống tham nhũng, tiêu cực, những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, điều hành hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết để xúi giục, kích động người dân biểu tình nhằm gây rối ren tình hình của đất nước.

Thậm chí, bọn chúng xuyên tạc rằng Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Chúng còn sử dụng chiêu trò, kích động trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, đạo đức, lối sống,... nhằm lôi kéo giới trẻ; cổ xúy cho những giá trị quyền con người phương Tây; tuyên truyền, cổ vũ cho luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”,... nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, gây mất niềm tin của nhân dân vào chế độ.

Đảng và Nhà nước ta luôn xem bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nhằm giúp mọi người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc (Ảnh minh họa)

Nguy hiểm hơn, gần đây, chúng bêu rếu: “Những thành tựu về an sinh xã hội ở Việt Nam là do Việt Nam “tự vẽ lên”, “tự mình khen mình” chứ thực chất không có thật”; “An sinh xã hội chỉ là con bài ru ngủ nhân dân, để các quan chức của Đảng rảnh tay, dễ dàng vơ vét” với mưu đồ bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Gần 40 năm đổi mới, đất nước Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt những thành tựu vượt bậc về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề bảo đảm quyền con người đã góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước. Việt Nam cũng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và luôn nhận được sự công nhận, đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cũng đã thiết lập cơ chế bảo hộ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo Hiến pháp và các điều ước quốc tế về hợp tác lao động thông qua đại sứ quán, lãnh sự quán, hội người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ trương, đường lối, thành tựu dân chủ, nhân quyền của Việt Nam,...

Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước cũng như ký kết tham gia các công ước quốc tế về quyền con người; xem bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nhằm giúp mọi người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;... con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”; đồng thời, nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”.

Ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị các cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đảng, Nhà nước ta luôn có chủ trương, đường lối đúng đắn nhằm bảo đảm về nhân quyền, tự do ngôn luận, báo chí, Internet, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo,... của mỗi người dân trên tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Rõ ràng những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch chỉ là bịa đặt, mỉa mai, không dựa trên những thông tin chính thống, có kiểm chứng mà cập nhật theo kiểu cóp nhặt, cắt xén với mưu đồ xảo quyệt, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Để tăng cường đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, trước tiên, cần quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về quyền con người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với mục tiêu Việt Nam thúc đẩy quyền con người ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp đấu tranh, thực hiện nguyên tắc trong đấu tranh có đối thoại, trong đối thoại có đấu tranh; nội dung phải bảo đảm giữ vững quan điểm của Đảng; phương pháp linh hoạt, nhân văn, dân chủ, tạo đồng thuận xã hội.

Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quyền con người. Mỗi người cần tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống, xuyên tạc việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Định hướng thông tin kịp thời và có giải pháp đấu tranh hiệu quả làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội, pháp luật về quyền con người; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự đáp ứng nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, vì hạnh phúc, phồn vinh của nhân dân. Hoàn thiện cơ chế pháp lý, giám sát và xử lý các vi phạm quyền con người để bảo đảm tất cả quyền con người đều được tôn trọng, bảo đảm trong thực tế.

Thứ năm, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản, truyền thông trong bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người.

Thứ sáu, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người. Bảo đảm đội ngũ thực thi có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ chính trị, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, đủ “sức đề kháng” phản bác luận điệu xuyên tạc về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.

Thứ bảy, chú trọng kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết thực tiễn về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực nhân quyền. Xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm, cố tình đưa thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam lên mạng xã hội,.../.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Minh

Chia sẻ bài viết