Hơn 40 năm cầm bút, cũng là ngần ấy năm nhà báo Minh Thu tận tâm với nghề
Khi "nghê chọn người"
Đến với nghề báo bằng cái duyên bất ngờ, thế nhưng, NB Minh Thu gắn bó với công việc này bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết. Dẫu biết rằng đang dấn thân vào nghề mà gian truân, vất vả nhiều hơn là sự thảnh thơi, nhàn hạ nhưng NB Minh Thu không từ chối vì nghề đã chọn mình.
NB Minh Thu bắt đầu sự nghiệp làm báo từ năm 1976 tại Đài Phát Thanh Tây Ninh. Khi ấy, non về nghề, chưa có kinh nghiệm nên NB Minh Thu luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để có thể cho ra đời những tác phẩm chất lượng. Nhắc lại những ngày mới vào nghề, NB Minh Thu bồi hồi: “Làm báo thời điểm đó cực hơn bây giờ. Đường sá đi lại rất khó khăn, có những chuyến công tác đầy gian truân. Hành trang mỗi khi tác nghiệp là cây bút, cuốn sổ và máy ghi âm. Trong giai đoạn đó, thuận lợi có, khó khăn cũng nhiều. Qua những chuyến đi thực tế, những lần gặp khó khăn trong tác nghiệp đã giúp tôi trưởng thành hơn và có thêm động lực gắn bó với nghề”.
Năm 1988, NB Minh Thu về công tác tại Báo Long An và gắn bó đến khi về hưu. Được Ban Biên tập tin tưởng giao nhiệm vụ viết tin, bài phản ánh về lĩnh vực nông nghiệp nên NB Minh Thu cố gắng bám cơ sở để nắm bắt tình hình, nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Với nhà NB Minh Thu, mỗi chuyến đi được tiếp xúc với nông dân là một trải nghiệm mới. Thường xuyên gắn bó với ruộng đồng, vụ mùa, hơn ai hết, NB Minh Thu hiểu được những vất vả của người nông dân để có được vụ mùa bội thu. Không chỉ chuyên viết về mảng nông nghiệp, NB Minh Thu còn viết về mảng công nghiệp và có thời gian làm công tác biên tập, phụ trách phòng phóng viên. Dù ở vai trò, vị trí nào, NB Minh Thu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chia sẻ với chúng tôi về quan niệm làm nghề, NB Minh Thu cho biết: “Theo tôi, người làm báo dù ở thời điểm nào cũng phải khách quan, trung thực và phải có đạo đức nghề nghiệp. Bởi, một bài báo nếu phản ánh sai sự thật có thể hủy hoại một gia đình, một cá nhân. Bên cạnh đó, mỗi phóng viên cần phải có niềm đam mê viết lách, chịu được áp lực trong công việc và bản lĩnh chính trị vững vàng, cái tâm trong sáng mới có thể bám trụ với nghề”.
Nhà báo Minh Thu (bìa trái) trong một lần gặp mặt lãnh đạo và đồng nghiệp cũ (Ảnh tư liệu)
Chuyện kể về những chiếc máy ảnh chụp film
Sau nhiều cuộc hẹn, NB Giản Thanh Sơn mới thu xếp được thời gian tiếp chúng tôi. Trò chuyện cùng ông, tôi cảm nhận đây là người vô cùng ấm áp, gần gũi và chân thành. Khi được hỏi về những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình, ông buột miệng: “Có rất nhiều kỷ niệm, nhất là khoảng thời gian bắt đầu sự nghiệp bấm máy”.
Nhớ lại những ngày đầu “dấn thân” vào nghề báo, ông kể, thời điểm ấy rất khó khăn. Đa số phóng viên tự trang bị máy ảnh, chưa kể việc mua pin, đèn flash, film,… lại càng tốn kém. “Hồi đó, ai mà có máy ảnh riêng là “ngầu” lắm. Đam mê làm nghề, có khi anh em còn “mắc nợ” tiền mua máy, mua film” - ông nói vui.
Vào thập niên 70, để có một tấm ảnh hoàn chỉnh đăng trên mặt báo là cả một quá trình nỗ lực của người phóng viên. Khác với sự tiện nghi của máy ảnh số, thời đó, chụp ảnh film, phóng viên phải tính toán trong từng chi tiết kỹ thuật như khẩu độ, tốc độ, ánh sáng, độ nét. Ông chia sẻ, chụp ảnh film chủ yếu chụp ảnh chân dung, ảnh thời sự; quan tâm nhất là bố cục và ánh sáng. Còn chụp khoảnh khắc di chuyển nhanh đối với máy ảnh film và tự chỉnh nét thì rất khó, cho nên (riêng ông) có rất ít những tấm ảnh để đời vào thời đó.
Ông hồi tưởng, ngày xưa, đi tác nghiệp xa, có 2 cuộn film bên mình là mừng lắm rồi. Một cuộn gắn trong máy, một cuộn dự phòng trong giỏ. Thời ấy, film rất quý, chụp xài nhỏ giọt, chụp kiểu nào là phải chính xác kiểu nấy. Chụp bằng film cũng lắm rủi ro. Chẳng hạn chụp xong thì phát hiện gắn film trật chốt, coi như công cốc. Hay nhỡ ai đó táy máy mở chốt máy, film bị lọt sáng thì cả cuồn film coi như “xong”, cả chuỗi sự kiện trong máy coi như không có tấm ảnh nào.
Chụp ảnh film đã khó thì việc bảo quản còn khó hơn. Film bảo quản không kỹ theo thời gian sẽ bị dính, rách. Do đó, việc bảo vệ film không bị hư hỏng là điều rất quan trọng. Để bảo quản film, ông cắt film theo từng sự kiện, từng chủ đề rồi bỏ vào phong bì được cắt dán từ giấy xi măng. Bên ngoài ghi rõ ngày, tháng, năm, sự kiện gì, nhân vật gì, ở đâu, để sau này muốn tìm lại thì có ngay. Film sau khi được bọc cẩn thận thì bỏ vào ngăn tủ riêng, đặt ở vị trí không ẩm, cũng không quá nóng. Có như vậy mới giữ film lâu dài.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (bìa phải) với đồng nghiệp đang tác nghiệp tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, năm 2015 (Ảnh do ký giả John F. chụp)
Sau này, chụp digital trên từng file có lưu ngày, tháng, năm của bức ảnh nhưng từng folder, ông vẫn ghi rõ ràng họ, tên nhân vật, đặc biệt là tên tiếng Anh của từng chính khách phải viết chính xác,… để vài chục năm sau khi xem lại ta vẫn nhớ sự kiện đó, nhân vật nào. Với ông, bức ảnh báo chí có giá trị khi qua đó, người xem biết được câu chuyện trong bức ảnh về nhân vật, sự kiện cụ thể và rõ ràng vào thời điểm đó. Nếu không có những chi tiết ấy thì bức ảnh cũng chẳng có giá trị gì.
Trò chuyện với chúng tôi, ông không quên nhắn nhủ những ký giả trẻ như chúng tôi, ngoài việc tiếp cận công nghệ để có những bức ảnh báo chí xứng tầm thì việc tôi luyện bản lĩnh nghề nghiệp rất cần thiết. Làm sao để chỉ cần nhấc máy ảnh lên là phải biết được mình đang nói gì, gửi gắm thông điệp gì trong bức ảnh đó.
Được trò chuyện, học hỏi từ những NB đi trước, chúng tôi - những phóng viên thuộc thế hệ hậu bối, không khỏi tự dặn lòng phải tiếp tục nỗ lực rèn luyện kỹ năng tác nghiệp, để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà trong thời đổi mới./.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (1957), quê quán xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc. Ông “bén duyên” với nghề báo vào cuối năm 1975. Ông có thời gian viết cho Báo Long An. Sau đó về TP.HCM, ông viết cho nhiều tờ báo trong nước. Khi tại nhiệm, ông từng là phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước và làm việc tại Phủ Chủ tịch.
Năm 2019, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Đảo và bờ biển Việt Nam nhìn từ không trung”, được Học viện Đại học kỷ lục thế giới tại Mỹ, Anh Quốc và Ấn Độ vinh danh.
Gần 50 năm làm báo, ông từng tác nghiệp tại trên 80 quốc gia; tham dự các kỳ họp thượng đỉnh tại Liên Hợp Quốc, hội nghị quốc tế tại Peru, Nhật Bản, Singapore, Nga, Mỹ, Ai Cập, Trung Quốc, Indonesia, Philippines,... và được xác lập 5 kỷ lục quốc gia và châu Á về nhiếp ảnh - báo chí.
|
Thùy Minh - Trần Thoa