Tiếng Việt | English

27/06/2023 - 11:08

Tản mạn chuyện cây di sản

Tôi là người được Hội Sinh vật cảnh tỉnh giao làm hồ sơ cho các cây cổ thụ trăm tuổi trên đất Long An để vinh danh Cây Di sản (CDS) Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét, quyết định công nhận. Được biết, người sáng lập Hội này là nhà khoa học tên tuổi đã dành cả thời trẻ mang ba lô theo chân các đơn vị bộ đội hành quân qua những khu rừng từ cực Bắc, Tây Nguyên đến cực Nam,... nghiên cứu khoa học về động, thực vật và lâm học trong bom rơi, đạn nổ. Đó là GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, người Việt Nam đầu tiên được thế giới trao danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học, đến tuổi 90, ông vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là Chủ tịch Hội đồng CDS, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 2 lần nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều người còn thắc mắc về ý nghĩa CDS, xin tản mạn vài chuyện CDS Việt Nam sau đây. Ai cũng biết, di sản là tài sản, di vật của người xưa để lại. CDS là những cây đã sống vượt tuổi trăm, hội đủ tiêu chí vóc dáng, lịch sử, văn hóa, tâm linh,... do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Hà Nội với một Hội đồng gồm các nhà khoa học uy tín xem xét, cấp quyết định công nhận.

Trước đây, học giả Vương Hồng Sển nổi tiếng về sưu khảo đồ cổ, sở hữu hàng trăm cổ vật quý hiếm giá trị hàng triệu USD mà túng mấy cụ Vương cũng không bán. Trước khi mất, cụ viết giấy hiến toàn bộ cổ vật của cụ cho Nhà nước đưa vào Bảo tàng Quốc gia. Cụ Vương là tác giả nhiều sách chuyên khảo đồ cổ. Sách Thú chơi cổ ngoạn của cụ rất nổi tiếng. Đặc biệt, cụ viết về cây cổ trên đất Sài Gòn, nêu nguồn gốc, địa chỉ từng cây du nhập từ đâu, do ai, lúc nào,... và đặc điểm, giá trị văn hóa - lịch sử của mỗi loại cây cổ mà cụ đã sống gần trọn một thế kỷ, hiểu được.

Đọc Di tích xanh trên tạp chí sử học Xưa & Nay (tháng 02/1997) về cổ thụ thời Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội kèm các bức ảnh lưu trữ tại một bảo tàng ở Pháp, trong đó có cây đa bên cầu Thê Húc (hồ Gươm, Hà Nội), do bác sĩ Hocquard chụp năm 1884 lúc cây còn xanh mởn, hiện nay cây đã xuống sức - “cõng” thiên niên kỷ trên thân. Hay cây đại trên bến đò đi chùa Hương do Pierre Gourou chụp hơn 1 thế kỷ trước, hiện cây vẫn còn sức sống bền. Và những cây đại trăm tuổi “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở Huế vẫn đơm bông vàng, bông trắng tinh khiết, tỏa hương thơm ngạt ngào. Tại khu Thành nội Huế, rất nhiều cây đại cổ hút hồn du khách đến các di tích đền đài, lăng tẩm Huế; cây nào cũng toàn thân vặn vẹo, uyển chuyển với dáng vẻ mà nghệ nhân bonsai cao tay nghề chưa chắc đã chế tác được.

Xưa & Nay cũng đề cập đến chuyện trước am Mỵ Châu trên di tích Cổ Loa - kinh đô đầu tiên của nước ta thời Âu Lạc, An Dương Vương, có cây đa ngàn tuổi. Năm 1989, đến cuối tháng 11 cây vẫn còn tươi tốt nhưng đoạn giữa cây có hiện tượng mối mọt, đến 4 năm sau, toàn thân cụ đa ngàn tuổi bị mục nát, xác xơ. Năm 1995, người ta mới cho dựng giàn chống đỡ và dùng cây non ký sinh vào cây cổ, tưới nước kích thích tăng trưởng mỗi ngày thì đã quá muộn, không còn cứu vãn được nữa.

Xưa & Nay cảnh báo: Phần lớn đình, đền, chùa chiền, lăng tẩm, danh lam thắng tích ở nước ta gắn liền với một số cây cổ thụ đa, đề, sanh, si, gạo, muỗm, nhãn, thị,... lâu đời, tạo ra sự cân bằng hài hòa với kiến trúc cổ. Kiến trúc cổ mất đi, gạch ngói cũ còn có thể phục dựng công trình kiến trúc cũ được, chứ cây cổ mà mất đi thì mất vĩnh viễn, để lại một khoảng trống trong ký ức cộng đồng xã hội...

Đọc lại phóng sự Cấp cứu cổ thụ trăm tuổi ở Huế (Tuổi Trẻ - ngày 01/02/2021) về quá trình phục sinh cây xà cừ trăm tuổi ở Thành nội - Huế, bị cơn bão số 13 năm 2020 quật ngã, đưa hết bộ rễ lên trời, Bí thư Thành ủy Huế lên mạng báo tin, bày tỏ sự tiếc nuối cụ cổ thụ đã trải trăm trận bão vẫn trụ được, tới trận bão số 13 năm 2020 đã đổ ngã khiến rất đông người dân Huế kéo đến thăm, ai nấy gọi cổ thụ ấy là “cụ 13” với sự thương tiếc vô hạn; họ kể cho nhau nghe bao ký ức đời cây, đời người và đời làng, mong sao “cụ 13” được phục sinh để sống với đời. Nhiều chuyên gia được mời cứu “cụ 13”. Ngày 16/11/2020, khi cẩu “cụ 13” lên cao chừng 3m để chuyển vào hố trồng thì cáp xe cẩu bất ngờ đứt, “cụ 13” rớt xuống đất khiến ai nấy tái mặt, nghĩ chuyện tâm linh, vì xe cẩu tải trọng 50 tấn và sợi cáp tính toán dôi dư so với trọng lượng cây. Thế là tổ thi công chạy mua bó nhang đến thắp, vái xin,... Sau 2 tháng yên vị dưới hố trồng với các biện pháp khoa học, cổ thụ đã hồi sinh, nảy mầm bụ bẫm, bừng lên sức sống diệu kỳ khiến người dân trong vùng ngày nào cũng đến ngắm “cây thiêng” mà cảm xúc dâng trào,...

Chợt nhớ chuyện cây mắm cổ thụ trên 300 năm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông gần khu miễu Ông Bần Quỳ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ). Theo các nhân chứng, thời chống Pháp, chống Mỹ, đây là điểm cất giấu vũ khí, trạm giao liên và chốt du kích nằm gọn trong bộng cây to gấp đôi cái bồ lúa, bị mối mọt không cứu chữa được, đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, cây mắm mẹ chết khô, bật gốc đổ nhào, để lại một chùm cây mắm con không rõ bây giờ ra sao?

Tờ Thanh Niên vừa thông tin ở tỉnh Quảng Ngãi có cây gạo cổ thụ hơn 200 năm tuổi được địa phương coi như báu vật, vì trên cây này, năm 1930 đã xuất hiện lá cờ búa liềm đánh dấu sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã huy động lực lượng thường xuyên đến chăm sóc, tôn tạo cho CDS tư liệu của địa phương.

Gốc đa cổ thụ ở ấp Bình Tây, huyện Tân Trụ

Tượng hổ dưới gốc đa cổ thụ ở ấp Bình Tây, huyện Tân Trụ

Vừa rồi, chúng tôi đến ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, để làm hồ sơ CDS cho cây đa trên rạch Cầu Tràm chảy ra vàm sông Nhựt Tảo. Chúng tôi đã đo theo quy cách CDS: Phần gốc - cách mặt đất 1,3m - chu vi 13,5m. Hai rễ phụ ở hai bên tả hữu, mỗi rễ 1 người ôm không xuể. Trên tán cây có nhiều cành sải rộng, đường kính tán hơn 30m, có 2 cành ở giữa tán uốn lượn như 2 con rồng. Dưới gốc, một bên là tượng cọp, một bên là bục thờ tượng Phật Quan Âm. Vuông sân quanh gốc đầy am miếu đủ loại; “miếu Bà Đăng Mỹ” (chưa rõ lai lịch).

Cây dương gốc sộp ở đình Bình Yên Đông, phường 4, TP.Tân An

Và cây cổ đình Bình Yên Đông, phường 4, TP.Tân An, tạm gọi cây dương gốc sộp. Theo lý giải của ông từ đình này, gốc sộp có trước 60-70 năm thì gốc dương từ đâu thọc vào một lỗ hủng trên gốc sộp, đâm rễ xuống đất, lớn lên cả 2 gốc sộp - dương dính nhau thành 1 gốc cổ thụ bề thế dựa vào mái đình. Lên cách mặt đất chừng 3m thì tách ra làm 2 ngọn, bên trái là ngọn dương cao hơn, bên phải là ngọn sộp thấp hơn, cùng tựa mái đình mà an nhiên sống.

Liên hệ với phố Hiến, tỉnh Hưng Yên có 2 gốc đa cổ thụ rất to, bên trên có 1 nhánh đa gác qua 2 gốc như cây cầu, trên đó mọc 1 cây đa và 1 cây si, trông thật cổ quái. Người ta gọi đó là cây đa lai si.

Trên đây là một ít thông tin về CDS, đó là nhân chứng lịch sử qua nhiều đời. Như cây bạc ở đền Thiên Cổ (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) độ tuổi được các nhà khoa học xác định là trên 2.200 năm - gắn với lịch sử Đất Tổ Vua Hùng. Hoặc 9 cây muỗm được công nhận CDS Việt Nam trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10/2010. Hy vọng 2 cây cổ thụ mới phát hiện trên đây sẽ được vinh danh CDS Việt Nam, nâng tổng số CDS Việt Nam tỉnh Long An từ 23 cây hiện nay lên 25 cây./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết