Cây trôm mõ (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) gắn liền với lịch sử khẩn hoang thời cha ông khai phá vùng đất Nam bộ
Năm 2016, cây trôm mõ (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) là cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận CDSVN. Cây trôm mọc trước cổng chùa Diêu Quang, do đó, chùa còn được dân địa phương gọi là chùa Cây Trôm. Cây trôm này gắn liền với lịch sử khẩn hoang đất Nam bộ. Năm 1731, quan Vệ úy Huỳnh Công Lương (thân sinh ông Nguyễn Huỳnh Đức - người có công lớn với vua Gia Long nên được lấy họ Nguyễn của vua và đổi tên thành Nguyễn Huỳnh Đức, tước phẩm Tiền quân Kiến xương Quận công) đóng quân ở Giồng Cái Én và khai phá vùng này thành làng Khánh Hậu trù phú như ngày nay. Tại Hồ sơ đăng ký CDSVN của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, theo cố nhà văn, nhà Nam bộ học - Sơn Nam, khi dòng họ Nguyễn Huỳnh Đức vào khai hoang lập ấp, đất Giồng Cái Én còn là rừng nguyên sinh rất hoang sơ, trong đó có cây trôm đã hơn 50 năm tuổi. Đến nay, cây ước chừng 350 tuổi, phần ngọn có đường kính 32,5m, bộ rễ của cây tỏa đều và nổi lên, có rễ cao hơn mặt đất từ 0,5-0,6m và có nhiều u cao to, hình thù cổ quái, ấn tượng.
Một trong 10 cây me cổ thụ tại chùa Rạch Núi (Tổ đình Linh Sơn, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) được công nhận Cây di sản Việt Nam
Tháng 02/2018, cụm 10 cây me cổ thụ tại chùa Rạch Núi (Tổ đình Linh Sơn) ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, được công nhận CDSVN. 10 cây me tuổi đời khoảng 300 năm, đều có vóc dáng gần giống nhau, một thân thẳng đứng, tỏa bộ rễ nổi trên mặt đất. Những cây me này gắn liền với ngôi chùa cổ và tín ngưỡng tâm linh từ nhiều đời nay. Cùng với các di chỉ khảo cổ học được thám sát, khai quật, các nhà khảo cổ đoán định tại chùa Rạch Núi, hơn 3.000 năm trước, người tiền sử đã ở và sinh sống bằng nghề hái lượm. Ngoài ra, chùa còn có các di tích cách mạng. Cụm cây me cổ thụ chùa Rạch Núi đều mang sắc thái văn hóa tâm linh, được cư dân quý trọng, bảo vệ.
Cũng trong năm 2018, cụm cây cổ thụ tại Gò Chùa Nổi (Cổ Sơn tự) tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, được công nhận CDSVN. Cụm cổ thụ này gồm 1 cây trôm mõ và 5 cây dầu rái, có tuổi đời ước khoảng 250 năm. Cây trôm ở chùa Nổi là cây trôm duy nhất sống sót sau bao mùa khói lửa, trong khi các cây trôm cổ thụ khác lần lượt gãy đổ, gục chết vì bom đạn trong chiến tranh.
Cây trôm độc nhất, lại nằm cạnh cổng tam quan trông càng uy nghi, hùng vĩ. Bên cạnh đó, 5 cây dầu vượt trội trong quần thể cây dầu cổ thụ đều có thân suôn, thẳng đứng, cao vút như nhau. Ngôi chùa này bao đời nay là nơi cư dân trong vùng chạy lũ đến tá túc. Từ năm 1996, các nhà khảo cổ đã thám sát, khai quật nhiều hố, xuất lộ lớp di tồn vật chất do người xưa để lại có niên đại khoảng 3.500 năm với khối lượng lớn di vật đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo.
Ngoài những cây đã được công nhận, 2 cây sao cổ thụ tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, cũng đang được gửi hồ sơ trình Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là CDSVN. 2 cây sao cổ thụ gắn liền với lịch sử tổng Cửu Cư Thượng, huyện Cửu An, phủ Tân An xưa (nay là xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ). 2 cây sao này cạnh ngôi cổ miếu thờ ông Lê Công Trình - chiến sĩ hy sinh từ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp, được nhân dân trong vùng lập miếu thờ vào năm 1870. Đây là những cổ thụ còn sót lại trên đất gò giồng có người Việt cư trú ít nhất là 300 năm nay, vậy có thể đoán định tuổi 2 cây cổ thụ này phải trên 300 năm. Nét độc đáo là 2 cây sao cổ thụ có hình thể giống nhau, mọc cách nhau gần 10m, mọi thành phần trên cây có nhiều điểm tương đồng như một cặp song sinh. Do bom đạn chiến tranh làm cả 2 cây đều bị đứt ngọn ở độ cao trên 18m. Từ độ cao này, cây sinh nhiều cành, nhánh vươn cao trên 20m, tỏa rộng với đường kính tán mỗi cây đo được 21,3m.
Cả 2 cây sao đều bị một số mảng cây sanh ký sinh nhiều nhánh với những chùm rễ phụ phủ lên thân. Tuy nhiên, sự ký sinh này không làm ảnh hưởng sự sống của cây sao mà còn làm cho cây thêm phần hùng vĩ và uy nghi hơn. Nếu được xét công nhận CDSVN, giá trị văn hóa - tinh thần càng tăng lên bội phần để giáo dục lòng yêu nước và lòng yêu thiên nhiên của người dân sống trên đất giồng - đồng bưng giáp ranh nước bạn Campuchia.
Một trong 5 cụm sao dầu (dấu V) được công nhận Cây di sản Việt Nam
Trò chuyện về CDSVN, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh tỉnh - nhà báo Quang Hảo, người rất tâm huyết trong việc thu thập thông tin, tìm hiểu để cùng Hội Sinh vật cảnh tỉnh đề xuất công nhận CDSVN cho các cây cổ thụ tại Long An, luôn nhắc đi, nhắc lại 2 câu thơ của nhà thơ Kiên Giang: “300 năm mấy kiếp người. Nơi ta ở có cuộc đời tổ tiên”. Nhà báo Quang Hảo chia sẻ, hầu hết CDSVN trên đất Long An đều mọc gần đình, chùa, miễu - những nơi thờ tự tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Cây lớn lên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nên người dân thường cho là có sự linh thiêng, cần được bảo vệ. Được biết, dù quá trình làm hồ sơ rất công phu, vất vả nhưng với nhà báo Quang Hảo, cây đã lớn lên cùng đất, cùng người, cây có hồn cốt cha ông trong đó, nhìn cây, ta tưởng nhớ người xưa, nhớ cội nguồn tổ tiên nên việc bảo tồn CDSVN là trách nhiệm, nghĩa vụ không phải của riêng ai mà mọi người đều phải có ý thức chung để bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản./.
“Hầu hết Cây di sản Việt Nam trên đất Long An đều mọc gần đình, chùa, miễu - những nơi thờ tự tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Cây lớn lên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nên người dân thường cho là có sự linh thiêng, cần được bảo vệ”.
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh tỉnh - nhà báo Quang Hảo
|
Phạm Ngân