Tiếng Việt | English

24/07/2015 - 10:38

Tản mạn: Có một tượng đài mẹ trong các ca khúc cách mạng


Tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Đã 68 năm trôi qua, kể từ ngày 27-7-1947, hàng năm cứ đến ngày này, những nén tâm hương của bao thế hệ người Việt lại được thắp lên thành kính khắp các nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta lại được cụ thể hóa bằng những hành động ý nghĩa đối với những người lính mang thương tích trở về sau chiến tranh. Và trong ngày lễ kỷ niệm đó, có một tượng đài vĩ đại không thể không nhắc tới đó là mẹ - một phần của lịch sử bi tráng, đau thương làm nên bản trường ca bất tử, đầy kiêu hãnh tự hào, minh chứng cho sự trường tồn, bất diệt của dân tộc.

Gần 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, năm 1994 Nhà nước mới có pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước là “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tuy nhiên, suốt dặm dài lịch sử đấu tranh của lớp lớp cha anh, hình tượng mẹ đã tạc vào dáng đứng của Tổ quốc, đã đi vào các tác phẩm văn học - nghệ thuật một cách tự nhiên, dung dị mà sinh động, sáng ngời.Mỗi bài thơ, mỗi bản nhạc viết về Mẹ đều đẹp, đều sang trọng, chất phác và đầy day dứt. Để chỉ dẫu một lần nghe qua, không ai có thể giấu nổi xúc động, bồi hồi. Đó là chân dung một người mẹ cụ thể, đằng đẵng chờ chồng ròng rã suốt 20 năm: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/Và những vết thương trên ngực cha/Khi trở gió lại đau nhức nhối…” để nhận về món quà hội ngộ: “Chiếc ba lô gió sương đã gội/Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi…” Trong suốt những tháng năm chiến tranh biền biệt ấy, riêng mẹ phải chịu bao gian khổ, thiệt thòi mà không một lời than vãn: “Hai mươi năm ngày mẹ cưới/Đến hôm nay sống đời vợ chồng/Hai mươi năm… mẹ nuôi con một mình”. Vậy nên, mẹ hiển nhiên là một biểu tượng cao quý để mỗi đứa con ngợi ca và muốn tìm về để nương náu sau những ưu phiền, va vấp, là một bờ vai rộng lớn, bao dung cho con dựa vào: “Con chỉ tìm về với mẹ thôi/Trong lòng mẹ bát ngát biển khơi…” (Mẹ - Phan Long, phổ thơ Đoàn Ngọc Thu).

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ dành cho mẹ nhiều tình cảm đến vậy, và vẽ tô, “trang điểm” một chân dung người mẹ nhiều mất mát, hy sinh mà đẹp lộng lẫy đến như thế. Bởi những cuộc trường chinh của dân tộc đau thương này đã lấy đi của mẹ tất cả: “Nước mắt mẹ không còn/Vì khóc những đứa con/Lần lượt ra đi, đi mãi mãi…” và dẫu chiến tranh đã lùi xa, “Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…”. Chỉ với Người mẹ của tôi, nhạc sĩ Xuân Hồng đã nói thay triệu triệu người con đất Việt niềm thương cảm lớn lao cùng lòng biết ơn vô hạn những người mẹ đã rứt ruột hiến dâng những đứa con cho Tổ quốc mình. Để từ đó, các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết trải lòng mình ra san sẻ, tri ân, biết sống có ích hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh không gì bù đắp nổi của mẹ: “Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi/Cho con xin chia sớt nỗi buồn/Cho con xin xẻ đôi bát cơm/Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn/Cho con soi lại bóng hình con…/Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi/Xin cám ơn người, người mẹ của tôi”.

Mẹ nhân từ, mẹ bao dung và giàu đức hy sinh, nhận về mình hết thảy những gian nan, thiệt thòi để thành huyền thoại, những huyền thoại sống đáng ngưỡng vọng: “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa…”. Mẹ trong Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn đã hóa thân thành một biểu tượng chung: Mẹ Tổ quốc. Đó là người mẹ của hàng ngàn đứa con chiến sĩ, đầy quả cảm, can trường, mưu lược: “Mẹ lội qua con suối/ Dưới mưa bom không ngại/ Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/ Tiễn con qua núi đồi”, là bóng mát cho lớp lớp đàn con cách mạng nương nhờ, để chiến đấu và tìm về như một chốn bình an: “Mẹ là nước chứa chan/ Trôi giùm con phiền muộn/Cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan”.

Lật lại từng trang sử bi hùng của dân tộc, đâu đâu cũng thấp thoáng dáng dấp mẹ. Mẹ đã đồng hành cùng dân tộc trên các cuộc trường chinh. Trong số đó, có những người mẹ “may mắn”, được đón những đứa con trở về dù chỉ là nắm tro cốt, chiếc ba lô, cuốn nhật ký. Có những người mẹ phải gánh chịu tột cùng đau thương khi dâng tặng đứa con mình cho Tổ quốc mà vĩnh viễn không nhìn thấy hình hài, để rồi một đời khắc khoải tiếc thương, đến khi nhắm mắt vẫn chưa thỏa ước nguyện.

Chúng ta đã có những tượng đài của mẹ Thứ, mẹ Suốt như những minh chứng sống động của lịch sử, là đại diện tiêu biểu cho hàng vạn người mẹ Việt Nam anh hùng. Tổ quốc sẽ đời đời khắc ghi công ơn trời biển của mẹ, dẫu những việc làm và hành động của thế hệ hôm nay chưa thể đền đáp xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của mẹ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, lòng thành kính sẽ mãi mãi tròn đầy, lòng biết ơn sẽ luôn khắc vào tâm khảm đến mãi mai sau của triệu triệu người con đất Việt.

Khúc tráng ca tháng 7 hào hùng, đầy tự hào, kiêu hãnh hàng năm vẫn đều đặn được cất lên đã lay động đến tận cùng cảm xúc của thế hệ hôm nay: “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng/Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao/Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời.../Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ, và ánh mắt mẹ như mơ/Là biết mấy chờ mong mỏi mòn/Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại…”. Bằng xúc cảm chân thành của một người lính, nhạc sĩ An Thuyên với ca khúc Hát về mẹ Việt Nam anh hùng đã khái quát được một cách đủ đầy, trọn vẹn một chân dung Mẹ Việt Nam, sừng sững bao la như một tượng đài vĩ đại nhất của dân tộc: “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non/Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài/Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền…”, để muôn đời mẹ luôn gần gũi, chở che chúng con: “Thỏa những nỗi sầu đau tháng ngày/Và chúng con hôm nay như ùa vào lòng mẹ/Lại nghe hát ru con bên nôi, mẹ lại kể câu chuyện ngày xưa/Mẹ đẹp mãi, mẹ hát cùng con…”.

Khi xem những thước phim tài liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng những ngày tháng 7, tôi ít khi ngăn được nước mắt. Ở đó, hình ảnh những người mẹ hồn hậu, chất phác lại hiện ra: Nhỏ bé, gầy guộc, tóc bạc, lưng còng, mắt mờ vẫn ôm chặt trong lòng và run run lau di ảnh hay tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con liệt sĩ.

Sẽ thật khó để liệt kê hết các tác phẩm âm nhạc viết về mẹ, ngợi ca mẹ trong khuôn khổ một bài viết. Cũng như thật khó để kể hết công ơn, đức hy sinh vô bờ bến của hàng vạn người Mẹ Việt Nam anh hùng trên mảnh đất đau thương nhưng quật khởi này. Vậy nên, người viết xin lại được mượn lời của nhạc sĩ An Thuyên để khép lại thông điệp tháng 7 như một lời tri ân thành kính nhất: “Trọn tình nước non, mẹ Việt Nam anh hùng/Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng”./.

Ngô Thế Lâm

Chia sẻ bài viết