Tiếng Việt | English

02/12/2019 - 10:41

Tân Thạnh: Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được xem là “chìa khóa vàng” thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Và thời gian qua, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An luôn làm tốt điều này.

1. Cách đây 5 năm, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Linh, ngụ ấp 2, xã Tân Thành, làm công nhân may tại TP.HCM. Nắm bắt được nhu cầu thị trường trong ngành may mặc; đồng thời, muốn tạo việc làm cho người dân địa phương, vợ chồng anh Linh quyết định về quê mở cơ sở may gia công. Hiện cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Ngọc Linh hướng dẫn công nhân may các công đoạn

Anh Linh chia sẻ: “Người dân xã Tân Thành chủ yếu sống bằng nghề nông. Hiện nay, người dân đã biết đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên ít tốn công chăm sóc và có nhiều thời gian nhàn rỗi. Vì vậy, tôi quyết định thành lập cơ sở may gia công để tạo việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời, có thêm thu nhập cho gia đình mà không cần phải đi làm ăn xa và có điều kiện chăm sóc cha mẹ già. Tôi dự định sẽ đầu tư thêm 20 máy may để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Hồng Thắm, ngụ ấp 2, xã Tân Thành, sống bằng nghề làm thuê nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Biết được cơ sở may gia công của anh Linh, chị Thắm xin vào làm. Chị Thắm cho biết: “Ban đầu, tôi được nhận vào làm thợ phụ với các công việc như cắt chỉ, ủi keo,... Sau thời gian, tôi được dạy học may từ các công đoạn đơn giản nhất. Nhờ cơ sở may gia công của anh Linh, tôi vừa có thu nhập ổn định, vừa học được nghề miễn phí”.

2. Không phân biệt độ tuổi, giới tính, chỉ cần siêng năng, chịu khó, ham học hỏi, cơ sở đan ghế nhựa của gia đình bà Lê Thị Đức, ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, đều nhận vào làm việc. Hiện nay, cơ sở đan ghế nhựa của gia đình bà Đức giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động nhàn rỗi ở địa phương. 

Cơ sở đan ghế nhựa của bà Lê Thị Đức giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động ở địa phương 

Cách đây 7 năm, gia đình bà Đức mạnh dạn đứng ra nhận hàng tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương,... sau đó về phân phối cho các hộ dân trong ấp gia công. Lao động tại cơ sở phần đông là hộ nghèo, cận nghèo, người lớn tuổi, phụ nữ bận việc gia đình không có điều kiện đi làm ăn xa. Đan ghế nhựa rất đơn giản, chỉ cần học trong vài tiếng là có thể làm được. Hơn hết, người thợ khéo léo, nhanh tay, mỗi ngày có thể làm được từ 4-5 sản phẩm, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. 

Bà Huỳnh Thị Mừng, ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, chia sẻ: “Đan ghế nhựa không tốn nhiều công sức, không ràng buộc thời gian, rảnh lúc nào làm lúc đó. Vì vậy, tôi vừa có thời gian chăm lo gia đình, vừa có thêm nghề đan ghế nhựa. Cũng nhờ thu nhập từ nghề phụ này, gia đình tôi có tiền xoay xở trong cuộc sống”.

Không chỉ tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, cơ sở đan ghế nhựa của bà Đức còn tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay, gia đình bà có thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/tháng, cao gấp mấy lần so với làm 2ha lúa. Bà Đức bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa. Song, giá lúa bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, năng suất  thấp nên có lợi nhuận không nhiều. Từ khi chuyển sang mở cơ sở đan ghế nhựa, gia đình tôi có cuộc sống ổn định, xây được căn nhà tường khang trang và trở thành hộ khá giàu ở địa phương”.

Có thể thấy, cơ sở may gia công của anh Linh và cơ sở đan ghế nhựa của bà Đức đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích