Tiếng Việt | English

18/02/2021 - 14:23

Tân Trụ: Chủ động phòng, chống hạn, mặn

Mùa khô năm 2019-2020, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là một trong những địa phương chịu tác động trực tiếp của hạn hán, xâm nhập mặn. Riêng mùa khô 2020-2021, Tân Trụ chủ động đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó với hạn, mặn, bảo vệ diện tích lúa của người dân.

phòng, chống hạn, mặn

Đo độ mặn để có biện pháp bồi nước vào nội đồng kịp thời khi độ mặn xuống dưới 1g/l

Vào năm 2020, thời điểm này, các kênh nội đồng trên địa bàn huyện Tân Trụ cạn nước, nông dân “đứng ngồi không yên” vì cần nước ngọt “cứu” lúa. Còn năm nay, nhờ chủ động trong việc tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nên mực nước trong các kênh nội đồng vẫn còn nhiều, một số diện tích lúa đã thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch. Để đạt kết quả này, huyện nạo vét, khơi thông dòng chảy 8 công trình thủy lợi nội đồng với kinh phí 6,6 tỉ đồng. Các xã cũng tiến hành nạo vét 22 kênh nội đồng khác với kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy nhanh tiến độ khắc phục 44 điểm sạt lở thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ do ảnh hưởng hạn, mặn năm trước để lại, trong đó, điểm sạt lở nặng nhất ngay tại cống Nhựt Tảo hiện đã hoàn thành. Riêng đầu mùa khô 2020-2021, huyện được tỉnh đầu tư 2 cống ngăn mặn tại xã Đức Tân và Nhựt Ninh; đầu tư nâng cấp đoạn đê ven sông Vàm Cỏ Tây, với tổng chiều dài gần 7km. 

Ngoài ra, huyện còn tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phi công trình nhằm chủ động phòng, chống hạn, mặn ngay từ đầu mùa khô. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: “Huyện phối hợp tốt các ngành liên quan thường xuyên đo độ mặn tại các cửa cống, trong đó nếu độ mặn xuống dưới 1g/l sẽ tiến hành mở cống bồi nước vào các kênh nội đồng để trữ nước ngọt; thường xuyên kiểm tra khắc phục tình trạng rò rỉ nước mặn vào nội đồng; kiểm tra, rà soát các địa phương thường xảy ra tình trạng thiếu nước để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành các công trình phòng, chống hạn, mặn,...”.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, nguồn nước ngọt năm 2020-2021 về đồng bằng thấp, mặn lên cao nhất đúng dịp Tết Nguyên đán. Mặn 4g/l và xâm nhập vào sâu trên dòng chính trên sông Vàm Cỏ từ 75-90km. Trước tình hình đó, huyện Tân Trụ tuyên truyền, vận động người dân đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa Đông Xuân 2020-2021, nhất là không được gieo sạ sau tháng 12/2020 nhưng nhiều nông dân vẫn “xé rào” gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo. 

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện đã xuống giống 3.200ha, trong đó trên 1.800ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ. So với vụ Đông Xuân 2019-2020, hiện nay, diện tích gieo sạ của huyện giảm hơn 1.000ha, tương đương với giảm 8.000m3 nước. Nhờ vậy, đến nay, huyện vẫn chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Tuy nhiên, nếu nông dân tiếp tục xuống giống, chắc chắn tình trạng thiếu nước vào cuối mùa vụ sẽ xảy ra. 

Ông Đặng Văn Tây Lo cho biết thêm: “Ngành Nông nghiệp đang rất lo lắng khi một số nông dân gieo sạ ngoài lịch thời vụ đã thu hoạch lúa, với lợi nhuận cao, chắc chắn năm sau sẽ khó vận động người dân không được xuống giống ngoài lịch thời vụ. Riêng thời điểm này, một số hộ dân, với diện tích khoảng 5ha thấy nước còn nhiều trong các kênh nội đồng, nhất là giá lúa cao đã xuống giống, do đó lúa chỉ được 20 ngày tuổi. Dự kiến diện tích này sẽ thiếu nước vào cuối mùa”.

Có thể thấy, công tác phòng, chống hạn, mặn ở huyện Tân Trụ đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân. Song, công tác này không chỉ có các ngành chức năng mới làm được mà rất cần có sự chung tay, đồng tình, hưởng ứng tích cực từ người dân. Hy vọng thời gian tới, người dân chấp hành tốt các khuyến cáo, chủ trương của ngành Nông nghiệp, nhất là việc không gieo sạ ngoài lịch thời vụ./.

Minh Thư 

 

Chia sẻ bài viết