Tiếng Việt | English

04/11/2015 - 05:46

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm từ lò giết mổ

Hiện nay, việc cung ứng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (GSGC) từ các cơ sở giết mổ (CSGM) đang là vấn đề đáng lo ngại cho người tiêu dùng. Để sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ngành chức năng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ "đầu vào và đầu ra" sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm tăng cường kiểm tra "tận gốc" chứ không chỉ kiểm tra "phần ngọn" tại các chợ.


Người tiêu dùng luôn muốn có sản phẩm sạch

Cần nhiều lò giết mổ bảo đảm VSATTP

Toàn tỉnh có 41 CSGM GSGC, trong đó có 10 CSGM gia cầm, còn lại là CSGM gia súc. Các cơ sở trên đều bảo đảm VSATTP; tuy nhiên vẫn còn tồn tại những CSGM lậu.

Tình trạng các CSGM GSGC hoạt động tràn lan, thiếu kiểm soát do công tác quản lý còn khó khăn, lực lượng quản lý mỏng, trong khi địa bàn rộng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, do đặc thù hoạt động của các CSGM nhỏ lẻ, cơ động, nên nếu có đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng thì các hộ dân làm nghề dễ dàng thu dọn hiện trường khiến cho việc phát hiện, xử phạt gặp không ít trở ngại.

Chị Đỗ Thị Thu Vân, quản lý CSGM gia cầm Phúc Hoa, ấp Phước Thuận, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc cho biết: “Cơ sở của tôi đạt chuẩn về ATTP, giết mổ bằng hệ thống máy, có 47 nhân công. Trung bình mỗi ngày, CSGM 1.800-2.000 con gia cầm, chủ yếu là vịt. Sản phẩm của cơ sở được cán bộ thú y kiểm dịch từ khâu đầu vào đến đầu ra cung cấp cho thị trường”.

Anh Lê Hữu Bình, chủ CSGM gia súc Lê Hữu Bình, ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ cho biết: “Lò giết mổ của tôi hoạt động theo dây chuyền giết mổ treo, bảo đảm VSATTP. Trung bình mỗi ngày, CSGM khoảng 500 con heo. Vừa qua, dự án Lifsap đã hỗ trợ 630 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quá trình giết mổ nhằm bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở cung cấp sản phẩm sạch đã qua kiểm dịch cho các chợ trong và ngoài huyện”.

Để công tác kiểm soát các CSGM GSGC được siết chặt, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh động vật thông qua hoạt động giết mổ, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra của sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An - Lê Thị Mai Khanh cho biết: Chi cục có kế hoạch đánh giá lại toàn bộ các CSGM GSGC trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra về cơ sở vật chất, trang thiết bị; nguồn nhân lực tham gia sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng, ATTP; tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa đang áp dụng; lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm động vật sau giết mổ, nước,... Thời gian thực hiện từ tháng 11-2015 đến tháng 2-2016. Việc đánh giá nhằm xếp loại CSGM GSGC, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm động vật sau giết mổ.

Để người dân an tâm sử dụng sản phẩm sạch

Theo ông Nguyễn Văn Gọn, ngụ phường 2, TP.Tân An, người tiêu dùng hiện rất e ngại sản phẩm thịt vì thời gian gần đây, nhiều CSGM, người chăn nuôi sử dụng chất cấm, bán sản phẩm thịt cho người tiêu dùng khi chưa kiểm dịch. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng tăng cường kiểm tra CSGM, nhất là xử lý triệt để những CSGM lậu.


Cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Bà Lê Thị Quyên, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức cho biết: “Trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại các lò giết mổ hoạt động theo kiểu tự phát, đa phần các hộ đều tự mua GSGC về bán rồi kiêm luôn việc giết mổ theo yêu cầu của khách hàng. Hoạt động giết mổ diễn ra ngay trên nền đất, lông GSGC, chất thải, nội tạng vương vãi khắp nơi, bốc mùi hôi tanh, nước thải chảy tràn lan, gây mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Chúng tôi rất mong Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ và cung cấp sản phẩm thịt ra thị trường”.

“Ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển GSGC không có giấy chứng nhận kiểm dịch và kinh doanh thịt GSGC không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y. Các địa phương cần có cơ chế quản lý chặt chẽ "đầu vào và đầu ra" sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về các vấn đề ATTP, vệ sinh môi trường” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An - Thị Mai Khanh cho biết thêm./.

Lê Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết