Trong đó, chúng tuyên truyền hết sức sai trái, cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện của Việt Nam”. Cần khẳng định rằng, về bản chất, luận điểm tuyên truyền sai trái nói trên nằm trong mưu toan phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc tư tưởng, lý luận chủ yếu, quyết định là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, từ đó làm suy yếu, tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận điệu sai trái đó nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Từ đó, mưu toan làm tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm thực hiện mục tiêu làm suy yếu và đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do vậy, mọi sự xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội về tư tưởng Hồ Chí Minh đều không có cơ sở khoa học và không có giá trị. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị khóa VII đã khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận vế cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc". Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lẩn IX (năm 2001), lần thứ XI (năm 2011) cũng viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn để cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta …".
Ảnh minh họa (Nguồn: tuyengiao.vn)
Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra ba luận điểm chính nhằm minh chứng cho những nhận định nói trên. Cụ thể là:
Thứ nhất, để có được con đường đúng đắn, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Hồ Chí Minh phải trải qua một quá trình khảo cứu, phân tích và lựa chọn theo phương pháp loại trừ.
Với sự nhạy cảm và tư duy độc lập, tự chủ Hồ Chí Minh có suy nghĩ: "Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: Ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi" . Người viết: “Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy... Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài" . Người tìm được con đường và quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin–lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới - Người đã kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Quyết đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, bởi vì theo Người:
1. "Lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế... Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng Bônsêvích lãnh đạo" .
2. “Thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các nước thuộc địa làm cách mệnh để lật đổ tất cả các đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới".
3."Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” và “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”
Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điểu kiện cụ thể của Việt Nam; trên nền tảng cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng đường lối cách mạng phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin theo phương pháp luận Mácxít. Từ lập trường, quan điểm cùa chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra những chủ trương, chính sách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam, không dập khuôn những lý luận đã có sẵn trong sách vở kinh điển. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh thấy được sự khác biệt giữa các nước tư bản ở châu Âu mà C.Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã nghiên cứu so với thực tiễn Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, kinh tế kém phát triển... Người đã để xuất bổ sung về "cơ sở lịch sử phương Đông", để gắn với lịch sử ở phương Đông và Việt Nam. Trong một báo cáo tình hình Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết: "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây... dù sao cũng không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác, bằng đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác, ở thời mình không thể có được" .
Bởi vậy, từ “cái cốt” trong học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo khi định nghĩa rất dễ hiểu về chủ nghĩa xã hội: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh", "mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do". Người cho rằng, "phấn đấu để cải tạo, để thực hiện chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người", "xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc" . Đây là "một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Nhân dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ dựa trên nền tảng liên minh công - nông, bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thì chúng ta nhất định thắng lợi". Người chỉ rõ, chủ nghĩa dân tộc là động lực của đất nước; chính từ đây Đảng ta đã đúc kết thành lý luận tạo sức mạnh tổng hợp bằng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh cũng có những phát triển sáng tạo về xây dựng Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đó là: Quy luật hình thành Đảng bằng kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước (chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đặt vấn đế phong trào yêu nước); Đảng vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp, vừa đại diện cho lợi ích của dân tộc. Hồ Chí Minh còn có sự phát triển sáng tạo về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc và các lĩnh vực khác như: kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau... hết sức phong phú, sâu sắc.
Thứ ba, tăng cường củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cần tăng cường bảo vệ, củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là cội nguồn sức mạnh tinh thần của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh hiện nay, toàn cẩu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế trên phạm vi toàn thế giới. Cạnh tranh kinh tế, tranh giành nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực cho phát triển giữa các nước tiếp tục diễn ra gay gắt. Hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo vẫn diễn ra khó lường, các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến rất phức tạp... Để tăng cường củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ để nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong tình hình mới, cụ thể là:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đặc biệt, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, phê bình, tự phê bình. Cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng, có những biện pháp kịp thời, thiết thực, hiệu quả để ngăn chặn những diễn biến xấu về tư tưởng, chính trị, phòng chống những biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, quán triệt sâu sắc và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Bởi vì, Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là một vấn đề cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Có đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho nhân dân được giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, hiểu rõ tình hình cách mạng và ý thức rõ những việc nên làm. Phổ biến nghị quyết của Đảng trong nhân dân phải nâng cao tính thuyết phục, giải thích, tránh gò ép, mệnh lệnh, cưỡng bức. Thuyết phục quần chúng bằng lý lẽ, nhưng quan trọng hơn là nêu gương. Đồng thời, phải chọn cán bộ và thay cán bộ cho đúng. Vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc và "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” .
Ba là, phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các mặt tiêu cực trong xã hội. Nhiều năm qua, Đảng ta đã chỉ đạo làm rất tích cực những vẫn còn những hạn chế, vướng mắc ở ngay trong bộ máy công quyền của chúng ta. Vì vậy, phải làm rất kiên quyết, triệt để, công khai, minh bạch, không để những kẻ lợi dụng quyền lực làm giàu bất chính tồn tại trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ta, có như vậy mới giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.
Thời gian càng qua đi, giá trị lý luận và thực tiễn căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị hết sức to lớn đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục đích nào khác ngoài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân càng phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh; tự giác, rèn luyện, tu dưỡng, chủ động, kiên quyết phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, tiếp tục đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn./.
Theo dangcongsan.vn