Năm 2022, thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động, UBMTTQVN tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ với 5 nội dung chủ yếu: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; GS và PBXH, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân và củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
UBMTTQVN các cấp trong tỉnh chủ trì tổ chức 335 cuộc GS. Trong đó, tập trung GS các cơ quan trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; GS việc nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh, các vấn đề đang được người dân quan tâm như việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; GS việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; GS việc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo;...
Bên cạnh việc đánh giá thực hiện các quy định của pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan Nhà nước, UBMTTQVN tỉnh tập trung làm rõ các nội dung khiếu nại, tố cáo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; đồng thời, có những nhận định cụ thể về từng nội dung khiếu nại, qua đó, tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân để tăng sự đồng thuận trong việc chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Qua GS, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm hạn chế đơn, thư và khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Cùng với mục tiêu tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai các dự án thực hiện công trình trọng điểm, UBMTTQVN tỉnh còn chú trọng phát huy vai trò GS đối với việc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Việc thực hiện tốt các tiêu chí, nội dung của bộ chỉ số này là thước đo của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Chính vì vậy, phân tích các điểm còn hạn chế để khắc phục, từng bước cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được UBMTTQVN tỉnh đặc biệt quan tâm.
Theo đó, vấn đề được đặt ra là làm sao để tăng cơ hội của người dân trong việc tham gia tổ chức xã hội, phát huy chất lượng công tác bầu cử, tính tự nguyện của người dân trong thực hiện các khoản đóng góp ở cộng đồng dân cư cần được triển khai một cách đồng bộ, hợp lý. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện để người dân được tiếp cận thông tin từ chính quyền một cách công khai, minh bạch như kế hoạch sử dụng đất của địa phương; việc bình xét, thông tin danh sách hộ nghèo; thông tin về ngân sách xã;... hay việc tạo điều kiện để người dân tham gia vào việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận của người dân cũng là một trong những nội dung cần phân tích, đánh giá. Trong hoạt động GS, UBMTTQVN tỉnh còn hướng tới việc thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân, việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, việc thực hiện các thủ tục hành chính công,... nhằm thực hiện hiệu quả nhất việc phát huy nền hành chính phục vụ.
Song song với hoạt động GS, công tác PBXH được UBMTTQVN các cấp tích cực triển khai đối với các dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023;... Những vấn đề được UBMTTQVN tỉnh quan tâm phản biện tập trung vào các nội dung như định hướng về vấn đề nhà ở xã hội, bảo vệ môi trường; quy hoạch phát triển công nghiệp 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; hiệu quả, tính tương quan của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tạo việc làm mới; sự cân đối trong sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước và việc vận động, phát huy sức dân để thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”;...
Chính từ việc phát huy dân chủ, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, hướng đến mục tiêu tạo sự đồng thuận chung trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Những vấn đề kiến nghị sau hoạt động GS, PBXH của UBMTTQVN tỉnh trong thời gian qua luôn được đánh giá tốt, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết của Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Hoạt động GS, PBXH của UBMTTQVN các cấp đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, đề án, dự án, chương trình của địa phương mà người dân là chủ thể. Những kết quả trên góp phần khẳng định vai trò của MTTQ trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân; đoàn kết đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước./.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ