Tiếng Việt | English

07/07/2021 - 08:17

Tăng cường kiểm tra, giám sát để chủ động phát hiện tiêu cực, tham nhũng

"Cấp uỷ phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tập trung kiểm tra, giám sát đối tượng là cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý, trước hết là người đứng đầu".


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa XIII (Ảnh: Ngọc Thành)

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc Trung ương thảo luận Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên cho rằng, qua thực tiễn thi hành còn những vướng mắc, bất cập, những vấn đề cụ thể phát sinh. Do đó, cần quy định cụ thể về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; quy định về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật; quy định về việc xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý… 

Nhiệm kỳ khóa XII, nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm, dư luận bức xúc được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thực hiện với tinh thần “trị bệnh cứu người”, trách nhiệm, tính Đảng cao, làm rõ bản chất sự việc để kết luận.

Tiếp nối những kết quả đó, tại Hội nghị Trung ương 3 lần này, Bộ Chính trị trình dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.


PGS.TS Nguyễn Viết Thông (Ảnh: Thi Uyên)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng Hội nghị Trung ương 3 tiếp tục coi trọng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát là bởi lãnh đạo không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Thực tế tất cả các vụ việc tiêu cực phát hiện 50% qua kiểm tra giám sát. Như vậy để thấy rằng qua kiểm tra giám sát mới phát hiện ra đã thực hiện đúng đường lối của Đảng chưa, đấy là mục đích chính. Đồng thời một trong những nhiệm vụ kiểm tra là phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong Đảng hiện nay.

Nhắc lại quyết định gần đây nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của tập thể và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo liên quan “gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước”, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng, xử lý cán bộ sai phạm ngay sau Đại hội XIII của Đảng càng cho thấy tinh thần nhất quán của Đảng: Sai phạm đều phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. 

“Khi bị phát hiện thì phải xử lý, dù là ai, đều không có vùng cấm. Điều đó Đảng không sợ mất uy tín mà càng tăng uy tín. Vi phạm đã lâu nhưng phát hiện lúc nào xử lý lúc đấy đó là vấn đề cần được tích cực, phát huy. Vấn đề là có khuyết điểm và nhìn nhận khuyết điểm để khắc phục”, Trung tướng Trần Văn Độ bày tỏ.

Để công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng và trở thành “nòng cốt” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng cấp uỷ phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tập trung kiểm tra, giám sát đối tượng là cấp uỷ viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý, trước hết là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như: Quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân sách, đầu tư công, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ…

“Công tác kiểm tra, giám sát không đơn thuần cơ quan chuyên môn là Ủy ban Kiểm tra các cấp mà là công cụ của cấp ủy. Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì không lãnh đạo. Bây giờ công tác kiểm tra giám sát được hoàn thiện, xem xét đầy đủ, quy định rõ ràng. Cho nên Tổng Bí thư nhấn mạnh rất đúng, những sai phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng thì công tác kiểm tra rất quan trọng, vì kiểm tra giám sát kịp thời nhận thấy sai phạm của đảng viên, rồi sau đấy lãnh đạo các cấp”, ông Vũ Quốc Hùng nêu rõ.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, toàn diện, khách quan, công khai và dân chủ; coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kiểm tra đột xuất và theo chuyên đề. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới phát huy vai trò, vị trí quan trọng, thực sự là phương thức lãnh đạo của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố đội ngũ thực sự trong sạch, vững mạnh./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết