Tiếng Việt | English

10/04/2025 - 14:15

Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí

Để giải quyết “bài toán” ô nhiễm không khí, việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả là vô cùng cần thiết. Từ giám sát nguồn thải, áp dụng công nghệ tiên tiến đến nâng cao ý thức cộng đồng, những giải pháp đồng bộ và quyết liệt sẽ là “chìa khóa” để cải thiện chất lượng môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe con người và hướng đến sự phát triển bền vững. Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung thực hiện nhiều giải pháp, tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Gắn kết trách nhiệm

Với vị trí địa lý thuận lợi, Long An đã và đang trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và logistics. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, tỉnh cũng đối mặt với những thách thức tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là ô nhiễm không khí. Chất lượng môi trường không khí tại địa phương chịu áp lực lớn từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và giao thông. Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, phương tiện tham gia giao thông - vận tải, hoạt động xây dựng và thi công cùng với đốt rơm rạ và chất thải rắn sinh hoạt làm gia tăng ô nhiễm bụi và khí thải,...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, xác định kiểm soát ô nhiễm không khí là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh nên địa phương triển khai nhiều giải pháp kiểm soát và bảo vệ môi trường (BVMT) không khí. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và doanh nghiệp (DN) về BVMT không khí.

Tỉnh còn tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm; phối hợp kiểm soát chất lượng môi trường không khí;... Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các nhà máy trước khi đầu tư sản xuất phải thực hiện hồ sơ môi trường, trong đó phải đề xuất cụ thể biện pháp, công trình giảm thiểu ô nhiễm không khí ngay từ nguồn phát sinh.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường lấy mẫu khí thải để kiểm tra

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong cho biết: BVMT, trong đó có môi trường không khí được huyện tập trung phối hợp thực hiện chặt chẽ. Huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát và tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan BVMT đến các DN, người dân nắm biết, thực hiện. Song song đó, huyện triển khai một số mô hình liên quan, góp phần lan tỏa thông điệp vì không khí trong lành, môi trường sạch đẹp.

Còn theo đại diện KCN Thuận Đạo (huyện Bến Lức) - Dương Văn Nam, DN luôn tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định về BVMT. Theo đó, đã hoàn thành khu xử lý nước thải đạt chuẩn, lắp đặt trạm quan trắc tự động và truyền dữ liệu 24/24 giờ để theo dõi, bố trí đầy đủ mảng xanh, có khu xử lý chất thải nguy hại riêng biệt,... Đối với môi trường không khí, KCN phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản, kế hoạch để kiểm soát ô nhiễm không khí, thực hiện quan trắc, kiểm soát định kỳ theo đúng quy định,... Ngoài ra, KCN cũng tổ chức tập huấn tuyên truyền về BVMT, lồng ghép chương trình, kế hoạch về giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đến các DN thứ cấp, người lao động trong khu nắm biết.

Kiểm soát ô nhiễm không khí - bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, chất lượng môi trường không khí của tỉnh thời gian qua chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Tỉnh triển khai lắp đặt và vận hành 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục: 1 trạm tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa; 1 trạm tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức; 1 trạm tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc. Số liệu từ 3 trạm quan trắc môi trường không khí từ năm 2021-2024 cơ bản phản ánh đúng hiện trạng môi trường tại khu vực và cho thấy các khu vực này vẫn chưa bị ô nhiễm. Các nguồn phát sinh khí thải có lưu lượng lớn của các cơ sở sản xuất cũng lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục, từ đó góp phần kiểm soát ô nhiễm không khí từ các nguồn này.

Tỉnh tập trung nhiều giải pháp, tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn (Trong ảnh: Quan trắc môi trường không khí trong khu, cụm công nghiệp)

Bên cạnh đó, đối với quan trắc thủ công, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1435/QĐ-UBND, ngày 23/02/2021 phê duyệt Kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. Tần suất quan trắc không khí trong các năm được thực hiện là 6 đợt, thời gian 2 tháng/lần. Mỗi đợt quan trắc tại 70 điểm và được chia thành 5 nhóm khu vực: Các khu, cụm công nghiệp 37 vị trí; khu dân cư 18 vị trí; giao thông 8 vị trí; bãi rác 3 vị trí; môi trường nền 4 vị trí.

Qua các đợt quan trắc từ năm 2022-2024, kết quả cho thấy hiện trạng chất lượng môi trường không khí ổn định, các vị trí quan trắc có biến động tăng giảm không đáng kể và đều đạt quy chuẩn quy định. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 13/02/2020 về việc triển khai, thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong đó, yêu cầu tăng cường rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát ô nhiễm bụi, khí thải tại các KCN, cụm công nghiệp, khu dân cư, dự án nông nghiệp và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; cấm đốt rơm rạ, chất thải rắn; khuyến khích DN đổi mới công nghệ giảm phát thải.

Để kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong phát triển công nghiệp, theo ông Nguyễn Tân Thuấn, tỉnh duy trì thực hiện quan trắc nhằm kịp thời đánh giá ảnh hưởng của phát triển KT-XH đến chất lượng môi trường không khí; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường về chất lượng môi trường không khí khi quan trắc. Tỉnh thông báo kịp thời và dự báo về tình hình ô nhiễm không khí trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết để có những biện pháp phòng, chống và giảm thiểu phù hợp.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng mạng lưới quan trắc tự động, nâng cao năng lực dự báo chất lượng không khí; đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ xanh trong sản xuất và giao thông; tăng cường quản lý chất thải và tái chế, nhất là hạn chế đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển xanh gắn với giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng đến phát triển bền vững.

Ngoài ra, Long An còn kiến nghị, đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm trạm quan trắc không khí tự động tại các khu vực trọng điểm; ban hành cơ chế khuyến khích DN áp dụng công nghệ sạch, giảm phát thải và tăng cường hợp tác để kiểm soát ô nhiễm không khí liên vùng,.../.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết