Đối thoại giúp người lãnh đạo có cái nhìn đầy đủ hơn về những vấn đề người dân đang quan tâm cũng như việc thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, từ đó có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các vấn đề phù hợp, để ý Đảng hợp lòng dân.
Giải quyết vướng mắc từ cơ sở
Năm 2019 là năm thứ 4 huyện Châu Thành, tỉnh Long An duy trì các hoạt động đối thoại giữa những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Hàng năm, lãnh đạo huyện và 100% các xã trên địa bàn đối thoại với nhân dân ít nhất một lần. Chủ đề lựa chọn để đối thoại được căn cứ vào tình hình địa phương và nghị quyết cấp ủy. Cụ thể, huyện đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại về xây dựng nông thôn mới, phát triển 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, công tác bảo vệ môi trường,... gần đây nhất là đối thoại về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Làm tốt công tác đối thoại góp phần giúp Châu Thành xây dựng thành công huyện nông thôn mới
Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Trương Văn Biết chia sẻ: Với cách làm dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị, các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã góp phần quan trọng giúp tháo gỡ kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Chính nhờ đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, phát sinh được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ đó hạn chế những bức xúc làm phát sinh đơn, thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường làm tốt công tác đối thoại, thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp cung cấp thêm thông tin, giải thích kịp thời để nhân dân nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức để có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Theo ông Biết, bên cạnh những kết quả tích cực, một số vấn đề người dân kiến nghị vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần rà soát, nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất với nhân dân. Ông yêu cầu, người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đối mặt, không né tránh, sẵn sàng lắng nghe dân nói để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, điều hành. Mặt khác, đối với những vụ việc bức xúc, nổi cộm, cấp ủy, chính quyền phải kiên trì tuyên truyền, vận động, phân tích, giải thích đến nơi, đến chốn để người dân hiểu và làm theo”.
Qua quá trình thực hiện đối thoại giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thời gian qua còn cho thấy nhiều điều bất cập. Một số địa phương vẫn chưa xác định đúng chủ đề cần đối thoại. Về khâu chuẩn bị, quy trình, cách thức tổ chức đối thoại trực tiếp ở mỗi địa phương, cơ sở cũng có sự khác nhau. Nhiều nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Từ đó, gây nên những khó khăn trong việc nắm bắt tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, báo cáo kết quả.
Qua đối thoại, người dân Cần Giuộc thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn và xây dựng lò đốt rác hộ gia đình
Phần lớn đối thoại trực tiếp chưa trưng cầu ý kiến, kinh nghiệm, tham vấn các biện pháp, giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền tham gia tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình, dự án phát triển KT-XH ở địa phương, cơ sở. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cần Giuộc - Trần Thanh Phong, đối thoại chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia tích cực, chủ động, với tinh thần cầu tiến, tinh thần xây dựng cao của lãnh đạo và nhân dân. Phải luôn lắng nghe, khuyến khích, biểu dương những ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền từ dân.
Tiếp tục duy trì, đổi mới
Bí thư Huyện ủy Cần Đước, tỉnh Long An - Nguyễn Việt Cường cho biết, chủ đề được huyện chọn để đối thoại là những vấn đề mang tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm. Mỗi chủ đề được chọn tuy khác nhau nhưng đều là những vấn đề cấp thiết, gắn với cuộc sống người dân hoặc là những bức xúc từ cơ sở. Sau đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy có rà soát, kiểm tra những nội dung đã thực hiện được để đánh giá hiệu quả. Muốn đối thoại thành công, theo ông Cường, phải có sự chuẩn bị đầy đủ, am hiểu tình hình, cuộc sống của người dân, vấn đề cần đối thoại. Và để làm được điều đó, những người đứng đầu phải dành thời gian đi cơ sở.
Tuy nhiên, ông Cường nhận định, trong các hội nghị đối thoại vẫn còn xảy ra tình trạng người dân kiến nghị qua loa. Đồng thời, người lãnh đạo vì nhiều nguyên nhân có thể chưa giải quyết thỏa đáng được những vướng mắc, nhu cầu của người dân phản ánh. Tiến độ thực hiện, giải quyết những ý kiến của người dân chưa đạt yêu cầu. Một số địa phương trong tổ chức thực hiện đối thoại hiệu quả chưa cao, còn hạn chế,... Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, Mặt trận, các đoàn thể trong huyện tiếp tục phát huy vai trò phản biện xã hội, giám sát các chính sách, chương trình, nội dung đối thoại.
Bí thư Thành ủy Tân An, tỉnh Long An - Trần Kim Lân cho rằng, ưu điểm nổi bật của đối thoại trực tiếp là có thể thực hiện thông tin hai chiều. Theo đó, người dân có quyền trình bày ý kiến của mình một cách chi tiết, được bàn bạc, đề xuất phương án giải quyết những vấn đề vướng mắc của địa phương. Ngay tại cuộc đối thoại, phần lớn những vấn đề người dân quan tâm sẽ được thảo luận, giải quyết, tạo tâm lý thoái mái, thông suốt cho người dân. Đây chính là tiền đề rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Người dân nêu ý kiến tại cuộc đối thoại với lãnh đạo TP.Tân An
Đối thoại trực tiếp đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, tri thức, kinh nghiệm và quan điểm lập trường rõ ràng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Mặt khác, người lãnh đạo cần phải nắm bắt được tâm lý của người dân để có những câu trả lời thỏa đáng, phù hợp với tình hình thực tế. Không khí cuộc đối thoại đôi khi trở nên căng thẳng và khó đi đến thống nhất về quan điểm và cách thức giải quyết vấn đề, sự việc. Đó là tình huống thường gặp ở những cuộc đối thoại giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân.
Từ thực tiễn trên, để việc đối thoại mang lại hiệu quả, cần đưa hoạt động tiếp xúc, đối thoại ở các cấp đi vào chiều sâu, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Cần rút ngắn khoảng cách giữa chỉ đạo - chủ trương với thực tiễn. Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với dân không nên chỉ diễn ra định kỳ mà có thể tổ chức đột xuất khi có những vấn đề người dân bức xúc, hay sự việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng chưa dứt điểm, gây hoang mang trong dư luận.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại thông qua việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết nhanh, cởi mở, không cứng nhắc, hợp tình, hợp lý những vấn đề khó khăn trong dân cần nhận được sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy, chính quyền. Chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhân dân lúc dân cần, mềm dẻo, chủ động trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật. Thực hiện đúng chủ chương và bám sát phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, giải quyết thỏa đáng, tận gốc rễ để giải tỏa tâm lý cho dân, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên./.
Kỳ Nam - Nguyệt Nhi