Tiếng Việt | English

07/06/2022 - 10:16

Tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham chính (Bài 1)

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ (PN) trong các lĩnh vực, nhất là trên chính trường có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, thời gian qua, Long An triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội bình đẳng để PN tham chính.

Bài 1: Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trên chính trường

Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng, PN ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, việc tham gia các hoạt động chính trị là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của PN trong xã hội nói chung và chính trường nói riêng.

Tạo cơ hội bình đẳng cho nữ giới

Quyền chính trị của PN là yếu tố xác lập vị thế bình đẳng của PN với nam giới trong đời sống chính trị - xã hội và thông qua đó, PN được tham gia vào quá trình ra các quyết định gắn liền với quyền và nghĩa vụ trên mọi lĩnh vực. Thực tiễn cho thấy, khi PN được tham gia trực tiếp vào công việc của xã hội, nhất là lãnh đạo, quản lý thì mới có cơ hội để thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Do đó, quyền chính trị là quyền cơ bản và quan trọng nhất để thực hiện bình đẳng giới cho PN.

Những phụ nữ tiêu biểu đại diện cho phụ nữ tỉnh Long An dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Việc nâng cao vai trò, vị thế của PN trong các lĩnh vực, nhất là trên chính trường có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội bình đẳng để PN tham chính. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh tích cực phối hợp và phát huy vai trò thành viên Ban Vì sự tiến bộ PN, tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nữ các cấp; đa dạng hóa các hình thức kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy vai trò cán bộ nữ,...

Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đặng Thị Ngọc Mai cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPNVN tỉnh tham mưu thực hiện công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PN trong tình hình mới; chủ động phát hiện, giới thiệu PN ưu tú, tạo nguồn cán bộ nữ, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý,...; đồng thời, đề xuất, tham mưu cấp ủy các cấp quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao;...”.

Tiêu biểu trong lĩnh vực chính trị, các cấp Hội chủ động, tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phản biện, có ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách phát triển KT - XH tại địa phương, góp ý về dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp; tạo điều kiện cho hội viên phản ánh các ý kiến liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của PN, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác cán bộ nữ được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện, đạt chất lượng, hiệu quả. Kết quả, ứng cử viên nữ trúng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội và HĐND (HĐND cấp huyện, xã) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, ĐB Quốc hội là 3/8 ĐB, chiếm 37,5%, tăng 25% so với nhiệm kỳ trước; ĐB HĐND huyện là 142/173 ĐB, chiếm 30,02% (trong đó cán bộ Hội là 22 người), tăng 4,97%; ĐB HĐND xã là 1.293/4.821 ĐB, chiếm 26,82% (trong đó, cán bộ Hội là 390 người), tăng 3,03%.

Phát huy năng lực của nữ giới

Thực tế cho thấy, để những cán bộ nữ có thể “trọn gánh” hai vai giữa công việc và gia đình, cần sự tín nhiệm, động viên của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của người dân và quan trọng là sự chia sẻ từ phía gia đình. Bởi thực tế, không ít PN có năng lực nhưng khó tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía gia đình.

Tỉnh ủy viên, ĐB HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ, là cán bộ nữ, “gánh vác” nhiều trọng trách, với chị, đây là niềm vinh dự khi được lãnh đạo, cấp trên tin tưởng nhưng cũng không ít những áp lực, phải làm sao để xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo, niềm tin của nhân dân và chu toàn cả việc nhà, “giữ lửa” hạnh phúc gia đình.

Dù đảm nhận nhiều nhiệm vụ, Tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai luôn nỗ lực xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo, niềm tin của nhân dân và chu toàn chăm lo cho gia đình

Để 3 nhiệm vụ được vận hành trôi chảy, chị có sự hỗ trợ rất nhiều từ các đồng nghiệp khi tập thể đoàn kết, gắn bó, cùng san sẻ nhiệm vụ chung. Bản thân chị cũng phải có sự linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ cũng như công tác quản lý, điều hành. Với vai trò là lãnh đạo cơ quan, chị luôn bảo đảm quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức họp giao ban hàng tuần, trao đổi, lấy ý kiến tập thể lãnh đạo Sở để khi thống nhất sẽ triển khai, thực hiện thông suốt. Đồng thời, chị còn sắp xếp thời gian linh động khi có những vấn đề cần giải quyết nhanh chóng, cần thiết sẽ thống nhất công việc qua Zalo, điện thoại nhằm tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm quy định.

Trong công việc, chị mạnh dạn thỉnh thị, báo cáo, đề xuất cấp trên về nhiệm vụ chuyên môn, các khó khăn, vướng mắc của mình. Nhà xa, vì công việc, chị phải đi sớm, về trễ, trong khi vẫn phải chu toàn cả việc gia đình, chăm sóc con đang ở độ tuổi thiếu niên cần có cha mẹ quan tâm, kề cận. Chị mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, khó khăn và luôn được người thân, gia đình sẻ chia, hỗ trợ và cố gắng tạo sự hài hòa giữa công việc và gia đình, phải “giữ lửa”, chăm sóc các thành viên bằng nhiều cách để có thể hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ “việc nước - việc nhà” của người PN.

Mỗi vị trí, vai trò, nữ cán bộ lãnh đạo có những nỗi vất vả, khó khăn riêng. Tuy nhiên, họ đều nỗ lực để thực hiện thật tốt nhiệm vụ, làm tròn “việc nước”, lo trọn “việc nhà”. Với Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc) - Lê Thị Phương Dung, sự sẻ chia, cảm thông từ gia đình là vô cùng quan trọng, động lực để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ quan. “Gánh” trọng trách “hai vai” nên chị thường tất bật với công việc, họp hành, chồng chị dù cũng bận rộn với công việc nhưng luôn đồng hành, hỗ trợ san sẻ việc nhà, chăm sóc con cùng chị.

Chị Dung chia sẻ: “PN dù ở vai trò nào đi nữa thì vẫn rất cần sự san sẻ, thấu hiểu từ gia đình. “Tổ ấm” chính là niềm tin, động lực cho PN cố gắng, nỗ lực để vươn lên từng ngày, khẳng định vị trí, vai trò trong xã hội”.

Theo bà Đặng Thị Ngọc Mai, những đóng góp của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị thời gian qua là minh chứng cho khả năng của nữ giới khi được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cùng với những nỗ lực của bản thân, ủng hộ của gia đình. Để phát huy tiềm năng của nữ giới, các cấp Hội động viên, tạo điều kiện để hội viên phấn đấu, không ngừng vươn lên, khẳng định vai trò, vị thế của bản thân trên các lĩnh vực. Qua đó, tiếp tục xây dựng hình ảnh người PN Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.

Trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, bình đẳng giới được hiểu là PN và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ các quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội. Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với PN xác định, việc thực thi quyền chính trị của PN phải được bảo đảm dựa trên 3 nguyên tắc: Bình đẳng, không phân biệt đối xử và trách nhiệm quốc gia.

(còn tiếp)

Ngọc Mận - Phạm Ngân - Huỳnh Hương

Bài 2: Phát triển đội ngũ cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tỉnh hình mới 

Chia sẻ bài viết