Tiếng Việt | English

11/06/2016 - 05:20

Tây Nam Bộ vẫn là vùng trũng giáo dục

Dù được Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn lạc hậu so với các địa phương khác về giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ được tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 10-6.

Khó khăn mọi mặt

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1033 về phát triển GD-ĐT và giáo dục nghề nghiệp ở ĐBSCL, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học đạt 99%; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học với tỉ lệ học sinh (HS) đi học đúng độ tuổi đạt 99%; đạt chỉ tiêu 190 sinh viên/vạn dân. Nhiều HS nghèo, khó khăn được miễn giảm học phí, cấp học bổng; số lượng đội ngũ cán bộ giáo dục ngày càng được cải thiện về chất lượng…”. 

Học sinh tại nhiều nơi ở ĐBSCL còn phải học trong những trường đã xuống cấp Ảnh: Ngọc Trinh

Tuy nhiên ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ GD-ĐT, đánh giá: “Toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.068 phòng học nhờ, mượn, thiết bị đào tạo chậm đổi mới, tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi THPT dưới 50% (bình quân cả nước là 60%). Cơ cấu tuyển sinh học nghề theo trình độ còn chênh lệch, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 chỉ có 35,2% (bình quân cả nước là 40,6%)...”.

Nêu khó khăn của địa phương, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng đời sống của giáo viên quá thấp do kinh phí cho giáo dục luôn thiếu. Các huyện ở Cà Mau còn nợ tiền chính sách của giáo viên khoảng 120 tỉ đồng. Có huyện mất cân đối ngân sách. Qua khảo sát, có trường chỉ còn kinh phí hoạt động 2 triệu đồng/tháng. Do địa bàn tỉnh Cà Mau rộng, dân cư phân tán nên tại nhiều điểm trường một lớp chỉ có mười mấy HS nên không đạt chỉ tiêu tỉ lệ giáo viên/HS theo quy định...

Theo ông Trần Hoàng Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, có một nghịch lý là hiện nay cử nhân sư phạm không có việc làm trong khi lại thiếu rất nhiều giáo viên mầm non, tiểu học. Vì vậy, phải có sự chuyển đổi để phù hợp với tình hình giáo dục tại địa phương. Ví dụ, cho cử nhân sư phạm học một khóa nghiệp vụ rồi dạy mầm non hoặc tiểu học thì sẽ không còn tình trạng dư thừa hay thiếu giáo viên.

Ra trường là... thất nghiệp

Đối với vấn đề đào tạo nghề, ĐBSCL cũng gặp muôn vàn khó khăn. Tại Cà Mau, trung tâm dạy nghề (TTDN) ở các huyện thiếu giáo viên trầm trọng. Nguyên nhân là do giáo viên giỏi nghề thì không về địa phương vì mỗi năm chỉ dạy được ít lớp, đồng lương thấp.

“Một số TTDN ở huyện có kết hợp với TTDN của tỉnh mở lớp nhưng chỉ được vài ngành như kế toán, tin học hoặc các lớp dễ học, dễ làm nhưng những nghề xã hội cần lại không có. Lao động nông thôn có tâm lý lười học, muốn đi đến Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM... làm việc, trong khi làm công nhân lột tôm ở địa phương thôi cũng có thu nhập cao hơn” - ông Quân nói.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, cho rằng vấn đề hướng nghiệp nghề trong hệ THPT hiện nay đã lỗi thời, chưa được chỉnh sửa và cập nhật. “HS học nghề khi ra trường không có việc làm bởi học những nghề đã lỗi thời. Cần xem xét lại việc hướng nghiệp ở trường THPT, phải sát thực tế và cập nhật ngành nghề thường xuyên” - bà Mai phân tích.

Theo chỉ tiêu đến năm 2020, phải thu hút khoảng 30% HS tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề. Nhưng trong bản dự thảo sắp trình Thủ tướng chưa thấy có doanh nghiệp nào tham gia đào tạo nghề. “Thời gian qua doanh nghiệp đứng ngoài, họ có ý chê giáo dục nghề nhưng không tham gia vào thì làm sao có được lao động như ý” - ông Nhân đánh giá.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu trong hội thảo này và trình bày với Thủ tướng Chính phủ để có quyết định mới về phát triển GD-ĐT và giáo dục nghề nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 thay thế cho quyết định 1033.

Tìm kinh phí xây hồ bơi

Trước tình trạng HS đuối nước ngày càng nhiều, ông Trần Hoàng Nhân kiến nghị: “Địa hình ĐBSCL đặc thù là sông, rạch chằng chịt nên rất nguy hiểm với trẻ em. Bộ GD-ĐT cần có chính sách kịp thời, cụ thể giúp cho các trường có kinh phí xây hồ bơi, tập bơi cho trẻ. Thực tế, dù nhà gần sông rạch nhưng nhiều phụ huynh cũng không mặn mà trong việc tập bơi cho con. Vì vậy, việc dạy bơi cho học sinh phải đưa vào trường học và cần có chính sách riêng”./.

Ca Linh/Người Lao Động online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích