Tiếng Việt | English

28/07/2020 - 09:12

Thủ Thừa: Từng bước đổi thay và phát triển

5 năm nhìn lại, Thủ Thừa từng bước chuyển mình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Những công trình được đầu tư xây dựng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công trình trường học góp phần “dệt” nên bức tranh quê hương đổi mới. Đây là “quả ngọt” từ ý Đảng - lòng dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là chương trình đột phá và công trình trọng điểm.

Niềm vui từ những chương trình đột phá

Nếu 5 năm trước, khoảng cách giữa các xã với thị trấn còn rõ nét thì nay đã được thu hẹp. Đó là những tuyến đường đất, cây cầu tạm được thay thế bằng đường đá xanh, đal, nhựa và cầu bêtông; nhiều địa phương xe ôtô có thể đến tận nơi; học sinh đi học không còn chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy như trước;… Tất cả những điều ấy không chỉ giúp đời sống người dân từng bước được nâng lên mà còn mang lại niềm vui, sự tự hào về quê hương đổi mới. Và đó là kết quả của việc thực hiện Chương trình Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn - 1 trong 3 chương trình đột phá được NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Nhà trong xóm ấp nhưng xe 4 bánh tới tận ngõ

Phấn khởi trước sự đổi thay từng ngày của quê hương, ông Nguyễn Văn Mười (ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nói: “Trước đây, đường vào xóm, ấp còn khó khăn, nhất là mùa mưa, đường sình lầy, trơn trợt, học sinh đi học gian nan. Đường sá khó khăn, người dân muốn phát triển kinh tế cũng bị hạn chế. Nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã được trải đal, tạo nhiều thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, mọi người rất phấn khởi. Như nhà tôi, xe ôtô có thể đến tận ngõ. Với tôi, đó là sự đổi thay rõ nét nhất của quê hương”.

Những tuyến đường được nâng cấp, mở rộng xuất phát từ mong muốn của người dân. Các công trình được chọn thực hiện luôn là công trình hợp lòng dân và có sự tham gia đóng góp của người dân. Không chỉ tham gia đóng góp kinh phí, ông Ngô Khắc Nhường (ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc) còn vận động người dân xây dựng đường giao thông nông thôn tại ấp. Ngoài ra, ông còn hiến 500m2 đất để làm đường và dốc cầu giúp người dân trong ấp đi lại thuận lợi. “Chung tay cùng Nhà nước xây dựng quê hương là trách nhiệm của người dân. Tôi sẵn sàng đóng góp sức người, sức của để thực hiện các công trình, đặc biệt là giao thông nông thôn. Những công trình “nên vóc nên hình” góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tôi cảm thấy vui và tự hào khi quê hương ngày càng đổi mới” - ông Nhường tâm sự.

Không chỉ tại Mỹ Thạnh, Mỹ Lạc, các tuyến đường đá xanh, đal, cầu bêtông còn được xây dựng khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn nhất. Cụ thể, 5 năm qua, huyện thực hiện được 83,394km đường bêtông xi măng, đạt 166,79% so với chỉ tiêu NQ (50km trở lên); 134,24km đường cấp phối đá, đạt 233,73% so với chỉ tiêu NQ (60km trở lên); 83 cây cầu bêtông xi măng, đạt 533,33% so với chỉ tiêu NQ (15 cây cầu trở lên).

Cầu bêtông xi măng dần thay cho những cây cầu tạm trên khắp địa bàn huyện

Ngoài thực hiện Chương trình đột phá Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, Thủ Thừa còn thực hiện thêm 2 chương trình đột phá: Phát triển đàn bò thịt và Chỉnh trang đô thị thị trấn Thủ Thừa. Chương trình Phát triển đàn bò thịt, huyện phát triển được 796 hộ nuôi mới, đạt 199% so với chỉ tiêu NQ (400 hộ); 100% hộ chăn nuôi bò được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và áp dụng các kiến thức về phương pháp dự trữ, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; tổng đàn bò của toàn huyện là 5.113 con, đạt 102,26% so với chỉ tiêu NQ (5.000 con). Riêng Chương trình Chỉnh trang đô thị thị trấn Thủ Thừa có các công trình đầu tư phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân, bước đầu lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, giúp bộ mặt thị trấn thêm khang trang và đặc biệt là có sự chuyển biến về nếp sống văn minh đô thị.

Phát huy hiệu quả từ công trình trọng điểm

Thay cho ngôi trường cũ, ẩm thấp là ngôi trường mới với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Đó là kết quả thực hiện Công trình trọng điểm Xây dựng Trường Tiểu học thị trấn Thủ Thừa đạt chuẩn quốc gia theo NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020. Công trình hoàn thành năm 2018 và được đưa vào sử dụng từ năm học 2018-2019. Trường có 30 phòng học, 10 phòng chức năng và khu hành chính riêng. Trong đó, các lớp học, phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

Những chương trình đột phá, công trình trọng điểm NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra dần đi vào cuộc sống và được hiện thực hóa sau 5 năm, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho quê hương, giúp Thủ Thừa từng bước đổi mới và phát triển. Đây là niềm vui, tự hào của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà./.

Bà Nguyễn Kim Âu - đảng viên, ngụ khu phố Rạch Đào, thị trấn Thủ Thừa:

Tôi rất kỳ vọng vào Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ huyện Thủ Thừa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tôi mong rằng, ĐH đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả phát triển KT-XH và giữ vững an ninh - quốc phòng địa phương; đồng thời chọn được nhân sự đủ tài, đức, có tầm nhìn, góp phần đưa Thủ Thừa ngày càng đi lên. Tôi cũng mong muốn, Ban Chấp hành mới đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, từ đó nhân dân tin tưởng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật Đảng và Nhà nước.

Anh Nguyễn Văn Duy - công nhân Công ty TNHH Tân Thành Lợi, ngụ ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh:

Nhiệm kỳ mới, tôi mong lãnh đạo huyện Thủ Thừa quan tâm hơn nữa về phát triển công nghiệp, trong đó thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút và kêu gọi đầu tư, từ đó giải quyết việc làm cho người lao động, giúp người dân địa phương không phải mưu sinh xa nhà. Tôi hy vọng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quản lý và siết chặt hơn nữa vấn đề an ninh, trật tự, đặc biệt là tệ nạn xã hội, giúp người dân an tâm.

Anh Trần Ngọc Sung - nông dân, ngụ ấp 3, xã Tân Thành:

Nhiệm kỳ mới, tôi mong lãnh đạo huyện quan tâm hơn về phát triển nông nghiệp tại địa phương. Huyện có những định hướng, quy hoạch cây trồng phù hợp, giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” bao năm qua. Bên cạnh đó, tôi hy vọng lãnh đạo huyện có những giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, giúp người dân giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể, từ đó an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Võ Đình Hồ - giáo viên Trường THCS thị trấn Thủ Thừa:

Nhiệm kỳ mới, tôi mong lãnh đạo huyện sẽ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhiều hơn nữa, đặc biệt là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo môi trường dạy và học thuận lợi cho giáo viên, học sinh; đồng thời có những chỉ đạo để đẩy mạnh công tác phối hợp 3 môi trường giáo dục, giúp những học sinh chưa ngoan có hướng đi đúng, tránh xa tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, tôi mong muốn lãnh đạo huyện có những chỉ đạo mạnh mẽ để gìn giữ và bảo vệ những thành quả đã đạt, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết