Tại điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng chủ trì; cùng dự có đại diện các sở, ngành, địa phương, một số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Long An
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tinh thần thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương có chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đặc biệt về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển DN, thu hút đầu tư được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ DN như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm DN,... được triển khai và nhận được sự đồng tình từ cộng đồng DN.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đạt kết quả tốt; mô hình trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh, thành phố tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và tránh sự phiền hà cho người dân và DN; việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với DN được đa số địa phương quan tâm. Đặc biệt, mô hình “Cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và DN trong đối thoại, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn đối với doanh nghiệp: Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy có tốt hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho DN, nhà đầu tư cọn hạn chế; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho DN; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức 3, mức 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến DN còn chậm; việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại liên quan đến DN của tòa án các cấp còn chậm, kéo dài khiến DN ít lựa chọn phương án kiện ra tòa khi có tranh chấp;...
Nhiều ý kiến của các bộ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong hỗ trợ DN. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong hỗ trợ và phát triển DN. Cụ thể, còn những quy định pháp luật, cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, tiếp tục gây khó khăn cho DN.
Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực, chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài, gây khó khăn cho DN. Cụ thể, có DN ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh, kiểm tra 3 lần, có DN ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm.
Ngoài ra, việc tiếp cận các nguồn lực của DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn hạn chế; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của DN ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa thực sự cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; vai trò của Hiệp hội DN còn hạn chế;...
Đại diện nhiều bộ, ngành, DN nhiều tỉnh, thành kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ các vấn đề: Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của cấp dưới đối với việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, chọn xử lý một vài trường hợp vi phạm pháp luật làm khó DN để răn đe, giáo dục chung.
Hiện nay, DN ngại và lo lắng nhất là các thủ tục hành chính; vì vậy, cần tập trung rà soát các thủ tục, để bổ sung, điều chỉnh phù hợp, góp phần quản lý tốt. Chính phủ sớm có những nghị định, văn bản để cụ thể hóa tạo điều kiện hỗ trợ các DN - thuộc khối kinh tế tư nhân, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác tại Việt Nam; hỗ trợ DN về vấn đề tỷ giá; DN trong nước cần được hỗ trợ để đầu tư công nghệ phát triển, nâng cao tính cạnh tranh; giảm thiểu các cuộc thanh, kiểm tra có nội dung chồng chéo đối với DN;...
Các doanh nghiệp sẽ được tạo môi trường kinh doanh lành mạnh (trong ảnh công nhân vô bao bì sản phẩm bia Sapporo)
Từ những tồn tại trong thực hiện hỗ trợ DN, Văn phòng Chính phủ nêu rõ 6 nhóm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm hỗ trợ và phát triển DN: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách; tăng cường thực thi thể chế, pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận xử lý và trả lời kiến nghị của DN và người dân; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “Nói phải đi đôi với làm” và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN được ký ngay sau hội nghị; đồng thời khẳng định, cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cho rằng, năm nay, hội nghị nhận được nhiều ý kiến khích lệ từ phía DN, điều này cho thấy, các cấp chính quyền hiểu rõ khó khăn của DN cũng như có những bước hỗ trợ và phát triển DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ khẳng định sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho DN dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng DN gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho DN,...
Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho DN. Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của bí thư, chủ tịch UBND các địa phương, bộ trưởng, trưởng ngành phải kiên quyết thực hiện những nhiệm vụ này.
Ngoài ra, với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho DN. Thủ tướng khẳng định, năm nay là năm giảm phí cho DN./.
Thanh Tùng