Thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Kiểm toán Nhà nước chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ và Thủ tướng kỳ vọng Kiểm toán Nhà nước thực sự là "Thượng phương bảo kiếm" của Đảng và Nhà nước, là cơ quan bảo vệ luật pháp và bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công.
Nói chuyện với lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của Kiểm toán Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, tài chính công, tài sản công rất lớn, nên việc giám sát và quản lý rất là quan trọng. Với vai trò của mình, thời gian qua, thành tích của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần truy thu một khoản tiền rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Cùng với đó là phát hiện các lỗ hổng chính sách, tình trạng lạm quyền, thất thoát tài sản Nhà nước để kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các thể chế, chính sách, nhất là chống thất thoát tài sản Nhà nước trong cổ phần hóa.
Thủ tướng phát biểu trước đông đảo lãnh đạo, cán bộ Kiểm toán Nhà nước
Nêu rõ quyết tâm của Chính phủ xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần đi đầu thực hiện chủ trương này, đảm bảo sự liêm chính của quản lý Nhà nước, đặc biệt là quản lý tài chính công, tài sản công. Và bản thân Kiểm toán Nhà nước cũng phải liêm chính, đây là đề bài mà Thủ tướng đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước nhân dịp đầu xuân 2017.
Thủ tướng nói: “Kiểm toán Nhà nước không chỉ phát hiện sai phạm, canh me đúng sai, mà quan trọng hơn, qua công tác kiểm toán phát hiện các lỗ hổng, những bất hợp lý của pháp luật, công tác quản lý để “vá” lại. Việc đó vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã làm một bước, đã kiến nghị 500 văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng tôi nghĩ chưa đủ, các đồng chí cần phát hiện tốt hơn, đề xuất mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng đây là kênh thông tin quan trọng để Chính phủ thấy được những thể chế chính sách chưa phù hợp với tình hình đất nước hiện nay dẫn đến thất thoát, mất tài sản Nhà nước. Phải sửa một cách nghiêm túc để xây dựng thể chế tốt nhất”.
Thủ tướng kỳ vọng Kiểm toán Nhà nước thực sự là Thượng phương bảo kiếm của Đảng và Nhà nước, là cơ quan bảo vệ luật pháp và bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công
Nhấn mạnh về tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, sức mạnh của kiểm toán chính là năng lực, trình độ cao, tính độc lập và công khai minh bạch. Khi đã tìm ra chân lý, phát hiện ra những điều đúng đắn thì cần quyết liệt theo dõi, bám sát đến cùng, kể cả vấn đề về thể chế.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán vừa có tâm, có tầm, vừa “dĩ công vi thượng”. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả, uy tín và nhiệm vụ chính trị của Kiểm toán Nhà nước.
Để nâng cao chất lượng, kế hoạch kiểm toán, thì Kiểm toán Nhà nước cần tập trung vào những nội dung chương trình kế hoạch ưu tiên của Quốc hội và Chính phủ và nền kinh tế như tái cơ cấu, đảm bảo an toàn tài chính công, vấn đề nợ xấu, nợ công, nợ xây dựng cơ bản, nợ thuế, hiệu quả chi tiêu ngân sách, hiệu quả sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước... cùng với đó là đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để tăng cường khâu tiền kiểm.
“Tôi đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung nhiều hơn vào kiểm toán hoạt động như xu thế của các nước. Tôi ví dụ vừa rồi các đồng chí kiểm toán các dự án BOT và phát hiện nhiều vấn đề. Những xu hướng như vậy của thế giới đối với các dạng kiểm toán khác về kinh tế như thế nào để chúng ta chủ động hơn? Chính vì vậy các đồng chí cũng cần nghiên cứu chính sách, chiến lược phát triển, các chủ trương, các dự án lớn để đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cho nên đòi hỏi kiểm toán có trình độ cao, có tâm, có tầm, có đức, có tuệ là như thế”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo chủ chốt của Kiểm toán Nhà nước
Thủ tướng cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần sử dụng sức mạnh của mình là công khai các kết luận chính xác, tạo sự lan tỏa, tác động sâu rộng, để xã hội và các cơ quan Nhà nước, bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan thanh tra, điều tra đều mong chờ một kết luận kiểm toán.
Trước mắt, cần cải cách mạnh mẽ, cải cách hành chính, hoàn thiện quy trình thủ tục kiểm toán, nhất là cần rút ngắn thời gian kiểm toán. Với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước cần giảm phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, chống nhũng nhiễu, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của của mỗi kiểm toán viên và đoàn kiểm toán và Kiểm toán Nhà nước.
Đánh giá cao Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã có những đề xuất về chính sách ngăn chặn tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa, nhưng Thủ tướng cho rằng, vẫn có sự thất thoát trong khâu định giá doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục có những đề xuất về cơ chế, chính sách để ngăn chặn tình trạng này.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nêu ra. Thủ tướng khẳng định, không có vùng cấm đối với hoạt động kiểm toán, tất cả các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước đều phải được kiểm toán rõ ràng thì mới chống được tiêu cực, tham nhũng.
Trước đó, trong báo cáo do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày có nêu, 5 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác trên 115.000. tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 500 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng năm 2016 đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Qua kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã xác địnhgiá trị vốn nhà nước tăng lên 13.698 tỷ đồng/6 doanh nghiệp. Trong đó riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí xác định giá trị vốn nhà nước tăng 2.050 tỷ đồng./.
Vũ Dũng/VOV