Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 1 vừa qua, với bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều đặc thù, nổi bật là thời gian 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn, chỉ bằng 2/3 bình thường.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 1/2023
Tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga - Ukraina chưa chấm dứt và tiếp tục có những dấu hiệu phức tạp hơn. Giá dầu không ổn định. Lạm phát thế giới có xu hướng chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; FED vừa tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhưng với biên độ nhỏ hơn. Sức mua giảm sút từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta như Mỹ, EU. Nhiều tổ chức quốc tế hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Ở trong nước, tháng vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng các kỳ họp bất thường Trung ương, Quốc hội trong đó Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 1 Luật, phê duyệt Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Quý Mão, chương trình Xuân Quê hương; thăm, tặng quà người có công, đối tượng chính sách, hộ gia đình gặp khó khăn.... Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Lào và đồng chủ trì cuộc họp UB Liên Chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 45; các bộ, ban, ngành tổng kết công tác năm 2022, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.
Sau Hội nghị Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 triển khai nhiệm vụ năm 2023 với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 142 nhiệm vụ cụ thể với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Về công tác tổ chức Tết Nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mọi người, mọi nhà đều có Tết theo đúng Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh phiên họp
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên người và gia đình có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, y bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ trực Tết, cũng như quan tâm, hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn.
Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, giá cả ổn định. Cung ứng điện cơ bản an toàn, ổn định. Công tác bảo đảm thông tin liên lạc, an toàn thông tin được thực hiện hiệu quả. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt. Tình hình an ninh trật được đảm bảo.
Nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc được tổ chức với hình thức phong phú, chất lượng nghệ thuật cao, tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng, hấp dẫn. Hoạt động báo chí, tuyên truyền diễn ra sôi nổi, kịp thời phản ánh các hoạt động, không khí đón Tết của nhân dân trên mọi miền đất nước; quảng bá hình ảnh dân tộc, vẻ đẹp truyền thống, giá trị nhân văn của Việt Nam đối với người nước ngoài và bà con Việt kiều về quê ăn Tết.
Tình hình KTXH tháng 01 tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, ngay trong kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra, đôn đốc triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm. Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tình hình Tết và các nhiệm vụ, giải pháp sau Tết. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2
Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm, quyết tâm cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tín dụng tăng 0,65%. Chỉ số CPI tăng 0,52% so tháng trước, tăng 4,89% so cùng kỳ. Thu NSNN đạt 11,3% dự toán.
Khu vực nông nghiệp phát triển tốt; thương mại, dịch vụ tăng 20% so cùng kỳ. Xuất siêu đạt 3,6 tỷ USD. Khách quốc tế đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so tháng trước, gấp 44,2 lần cùng kỳ. Trong tháng này có 10,8 nghìn DN thành lập mới, tăng 0,7% so cùng kỳ. Đời sống người dân tiếp tục cải thiện, tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ là 92,9%.
Trong tháng, số vụ tai nạn giao thông giảm 17,2%; số người chết giảm 10,1%; số người bị thương giảm 8,9%. Làm tốt công tác quân sự, quốc phòng, theo dõi, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tình hình an ninh được giữ vững, không có vụ việc phức tạp xảy ra; trật tự, an toàn xã hội tốt hơn so với dịp Tết Nhâm dần 2022.
Sau khi phân tích tình thình thế giới và trong nước, phát biểu tại phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ của tháng 2 và thời gian tới là rất lớn, nhất là những công việc thường xuyên ngày càng nhiều hơn; nhiều tồn đọng phải giải quyết, nhiều biến động phải ứng phó; và cần làm ngay, làm quyết liệt, làm tốt, làm triệt để trong năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Tại phiên họp hôm nay, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 1; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và những trọng tâm chỉ đạo thời gian tới. Cần phân tích kỹ lưỡng tình hình, dự báo tốt những khả năng xảy ra và quan trọng là xác định được đâu là điểm đột phá, điểm nhấn để khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, đi thẳng vào vấn đề, cho ý kiến về những việc đã làm được; những nội dung nổi cộm mới, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, tìm ra nguyên nhân, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp căn bản, cụ thể./.
Vũ Khuyên/VOV