Thi công mặt Đường tỉnh 830
Đường tỉnh 830 còn vướng mặt bằng
Công trình ĐT830 được chia thành 3 đoạn. Trong đó, đoạn từ ĐT824, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa đến cầu An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, dài hơn 23km, với tổng mức đầu tư 1.079 tỉ đồng (hình thức BOT); đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức đến Quốc lộ (QL) 50, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, có chiều dài 19km + 7 cầu, tổng mức đầu tư được duyệt hơn 626 tỉ đồng (vốn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ); đoạn từ QL50, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước đến Cảng Long An, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, có chiều dài gần 13km với tổng đầu tư gần 1.500 tỉ đồng (2 dự án thành phần).
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Văn Chỉnh, dự án được chia làm 13 gói thầu, từ đầu tháng 5/2016 khởi công gói thầu đầu tiên; đến nay, chỉ còn 1 gói thầu chưa khởi công. Qua đánh giá, tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch, nhiều gói thầu phải gia hạn lần 2 về thời gian hoàn thành.
Đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến QL50 có 4 gói thầu. Đến nay, gói thầu số 12 (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức đến ngã ba Long Cang, xã Long Cang, huyện Cần Đước và đoạn giữa ranh xã Tân Trạch đến ĐT826, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Còn gói 13 (4 cầu), gói 14 (từ ngã ba Long Cang đến ranh xã Tân Trạch) và gói 15 (từ ĐT826, xã Mỹ Lệ đến QL50, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc), Sở GTVT cho biết, vẫn đang thi công nhưng tiến độ chậm và đã gia hạn thời gian hoàn thành (gói 13 thực hiện được gần 70%, gói 14 đạt gần 30%, gói 15 gần 35%).
Trong 3 gói thầu này, dự kiến gói thầu chậm nhất sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 5/2018. Theo Ban Quản lý dự án Sở GTVT, hiện ở đoạn này vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc khi có 19 hộ (trên địa bàn huyện Cần Đước) chưa tháo dỡ vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng, trong đó có 3 hộ chưa nhận tiền. Ngoài ra, ở đoạn này còn khó khăn về vốn, chủ đầu tư đang thiếu khoảng 120 tỉ đồng để thanh toán khối lượng cho nhà thầu.
Đối với đoạn từ QL50 đến Cảng Long An có 2 gói thầu; trong đó, gói 7a (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) đang tổ chức lập thủ tục đấu thầu lại, dự kiến tháng 12/2017 sẽ khởi công. Đây là gói thầu trước đó từng xảy ra khiếu nại liên quan đến công tác đấu thầu, nhưng Sở GTVT lý giải, do đơn vị đấu thầu không đáp ứng đủ điều kiện. Vấn đề này, sở cũng trả lời rõ cho các đơn vị đấu thầu. Với gói thầu 7b đi qua các xã: Mỹ Lệ, huyện Cần Đước; xã Long An, Thuận Thành, Long Phụng, Long Thạnh và Tân Tập, huyện Cần Giuộc đang thi công, chỉ mới đạt 15% giá trị hợp đồng, dự kiến đến tháng 4/2018 hoàn thành.
Theo đánh giá của Sở GTVT, đoạn đường này cũng bị chậm tiến độ do thời tiết không thuận lợi, vướng giải phóng mặt bằng khi đi qua Khu dân cư xã Đông Thạnh và Tân Tập. Ngoài ra, trong thực hiện đoạn này, 11 doanh nghiệp góp vốn thực hiện chưa có văn bản thống nhất mức đóng góp kinh phí theo chủ trương của UBND tỉnh để thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2.
Đối với đoạn từ ĐT824, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa đến cầu An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức được triển khai thực hiện thi công từ tháng 11/2016 đến nay, trong đó, chia làm 7 gói thầu (3 gói thầu làm đường, 2 gói thầu làm cầu và 1 gói thầu làm trạm thu phí, 1 gói thầu làm hệ thống chiếu sáng và cây xanh). Qua ghi nhận của phóng viên, hiện đoạn này, nhiều gói thầu vẫn được thi công rất chậm, thậm chí chưa xong hệ thống cống dọc, nhiều đoạn chưa xong nền. “Đoạn này mới triển khai thực hiện được trên 50% khối lượng. Theo đánh giá, đoạn này cũng chậm tiến độ và nhiều gói phải gia hạn hợp đồng, dự kiến đến cuối tháng 3/2018 mới hoàn thành” - Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Chỉnh cho biết.
Ngoài ra, ở đoạn này vẫn còn vướng mặt bằng vì một số hộ chưa đồng ý với mức giá bồi thường, trong đó, địa bàn Đức Hòa có 15 hộ và Bến Lức 8 hộ. Chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, vị trí nhà điều hành trạm thu phí dự kiến đặt thì người dân không đồng ý chủ trương giải phóng mặt bằng nên nhà đầu tư đang phối hợp địa phương để thay đổi vị trí khác.
Tháng 12/2017, sẽ thi công 1 đoạn đường Vành đai TP.Tân An?
Dự án Đường Vành đai TP.Tân An được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ góp phần chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành, góp phần giảm áp lực cho tuyến QL1, tuyến tránh QL1 qua nội ô TP.Tân An và trục đường Hùng Vương. Tuyến đường sẽ tạo trục giao thông liên hoàn nối liền giữa các xã, phường; kết nối vùng giữa các địa phương trong tỉnh; tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. Song song đó, khi tuyến đường này hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố quản lý tốt cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, tạo quỹ đất chỉnh trang đô thị và mở rộng nội thành,...
Một đoạn đường nằm trong quy hoạch đường Vành đai TP.Tân An đi qua địa bàn xã Lợi Bình Nhơn
Theo phê duyệt, dự án đường Vành đai TP.Tân An có tổng chiều dài hơn 22km, rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang), điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao QL1 - ĐT833, TP.Tân An. Tuyến đường đi qua 5 xã, 4 phường: Xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa); xã Lợi Bình Nhơn, phường Khánh Hậu, phường Tân Khánh, xã An Vĩnh Ngãi, phường 7, xã Bình Tâm, xã Nhơn Thạnh Trung và phường 5 (TP.Tân An).
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần để thực hiện; trong đó, dự án thành phần 4 (dài gần 6km) do UBND TP.Tân An làm chủ đầu tư, dự án thành phần 1, 2 và 3 do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Riêng với dự án thành phần 5 là giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.Tân An do UBND thành phố thực hiện, còn đoạn qua địa phận xã Mỹ Phú được giao cho UBND huyện Thủ Thừa. Tuyến đường này có dự kiến tổng mức đầu tư hơn 2.429 tỉ đồng với nhiều nguồn vốn khác nhau; trong đó, hình thức đầu tư dự án thành phần 1 và 2 là đối tác công tư (PPP) và xây dựng chuyển giao (BT), dự án thành phần 3 đầu tư theo hình thức (PPP) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự án thành phần 4 theo phương thức đầu tư công (vốn vay Ngân hàng Thế giới), dự án thành phần 5 cũng theo phương thức đầu tư công (vốn ngân sách tỉnh).
Mặc dù dự án này được phê duyệt cụ thể như thế nhưng đến nay, tiến độ vẫn rất chậm. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, dự án này vẫn chưa giải phóng mặt bằng mà chỉ mới thực hiện được các bước như đo đạc, cắm mốc ranh giới và cơ bản thực hiện xong công tác kê biên. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tân An - Lê Văn Quốc cho biết, dự án này đang được thực hiện xây dựng phương án giá để công khai cho người dân biết. Dự kiến, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư mà UBND TP.Tân An ước tính hơn 763 tỉ đồng.
Việc thực hiện dự án này đang gặp khó khăn bởi một số hộ dân không đồng tình với quy hoạch “phân khu chức năng” 2 bên tuyến đường. Nhiều hộ dân chỉ đồng ý cho giải tỏa mặt bằng và bàn giao phần đất nằm trong 33m làm đường chứ không chấp nhận giải tỏa thêm 20m ở mỗi bên đường để làm phân khu chức năng. Nhiều hộ dân cho rằng, “phân khu chức năng” thực ra là bán nền.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn, người dân hiểu như vậy là không đúng. Thực tế, phân khu chức năng không phải là để bán nền mà để sau này thực hiện các khu chức năng: Văn hóa, công viên, thương mại - dịch vụ,... phục vụ lợi ích của người dân, tạo mỹ quan đô thị. “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn” - ông Huỳnh Văn Nhịn cho biết thêm.
Trước tình hình trên, cuối tháng 9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đầu tháng 11/2017, UBND TP.Tân An phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tiến hành chi trả cho người dân. Cũng theo đó, trong tháng 12/2017, chủ đầu tư phải tổ chức khởi công một đoạn tuyến của dự án./.
Lê Đức