Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An là một trong những đơn vị chịu tác động nhiều bởi Đề án 02-ĐA/TU (Trong ảnh: Trao giải cuộc thi Bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long do Long An đăng cai tổ chức)
Yêu cầu cấp thiết
Long An là tỉnh đi đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH.TW và Kế hoạch 07-KH/TW của Bộ Chính trị, vì đã sớm xây dựng, triển khai Đề án 02-ĐA/TU “Về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)” và Kế hoạch 48-KH/TU triển khai thực hiện Đề án 02-ĐA/TU.
Thực ra, trước đó khá lâu, từ năm 2016, Tỉnh ủy Long An có Chỉ thị 14-CT/TU, ngày 13/6/2016 “Về việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh” và Kế hoạch 19-KH/TU triển khai thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU. Điều khá thú vị là tinh thần của Chỉ thị 14-CT/TU và nội hàm của kế hoạch 19-KH/TU của Tỉnh ủy Long An khá phù hợp và nằm trọn trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Qua đó cho thấy, Tỉnh ủy Long An sớm nhận thức vấn đề bức bách cuộc sống đặt ra, đó là phải nhanh chóng sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hình mới, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển bền vững, như Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Rạnh phát biểu: “Cả về lý luận và thực tiễn, việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh là yêu cầu khách quan, cấp thiết”.
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Long An vẫn còn một số bộ phận chồng chéo chức năng, nhiệm vụ chưa phát huy tối đa hiệu quả. Hiện biên chế toàn tỉnh được giao (năm 2015) là 34.450, trong đó: công chức 4.083 biên chế (khối đảng, đoàn thể 1.443 biên chế; khối chính quyền 2.640 biên chế); viên chức 30.367 biên chế. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã 4.454 biên chế. Cán bộ không chuyên trách cấp xã 3.941 người. Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố 59.097 người,... Thực trạng trên đòi hỏi có sự thay đổi để thúc đẩy KT-XH tỉnh phát triển.
Triển khai thực hiện ngay
Theo kế hoạch, Đề án sau khi sắp xếp lại, toàn tỉnh dự kiến giảm 3 đầu mối cơ quan cấp sở, ngành tỉnh; giảm 69 phòng, ban thuộc sở, ban, ngành tỉnh; giảm 99 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 52 chức danh trưởng phòng; 59 chức danh phó trưởng phòng; giảm 108 cấp trưởng và 70 cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 422 biên chế công chức (đạt 10,34%); 4.775 biên chế viên chức (đạt 15,72%); giảm 2.789 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm 5.045 người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố; giảm 1.286 hội đặc thù trong toàn tỉnh;...
Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh cho biết, quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy là triển khai thực hiện Đề án với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, từ đó xác định, những công việc đã rõ phải thực hiện ngay. Nhìn chung, phần lớn nhiệm vụ được tập trung thực hiện hoàn thành trong tháng 4/2018: Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể; nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Việc tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và 2 đảng ủy khối sẽ được thực hiện trong quí II-2018. Đối với thí điểm Văn phòng UBMTTQ Việt Nam tỉnh phục vụ chung các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh sẽ được thực hiện trong quí I-2019. Còn việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh sẽ được thực hiện trong tháng 1/2019.
Đối với việc thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; thí điểm nhất thể hóa Trưởng ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ; thí điểm Chủ nhiệm UBKT cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp huyện; thí điểm Văn phòng phục vụ chung cấp ủy và HĐND - UBND cấp huyện; mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp huyện sẽ được thực hiện trong từ năm 2018-2020,... Một số nội dung cần có thời gian thực hiện theo lộ trình: Sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập;...
Thực hiện Đề án, những đơn vị phải tinh giảm biên chế nhiều, điển hình: Sở Giáo dục và Đào tạo giảm 1.754 biên chế trong toàn ngành; Sở Y tế giảm 6 biên chế thuộc sở và 421 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp thực hiện xã hội hóa, tiết kiệm 1.950 biên chế từ việc chuyển các đơn vị sự nghiệp y tế sang đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và từng bước tự bảo đảm chi đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 5 phòng, chi cục và 59 tổ chức trực thuộc trong toàn ngành,...
Cần Đước là một trong những địa phương sớm triển khai thực hiện Đề án số 02 và Kế hoạch số 48 của Tỉnh ủy. Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết, năm 2018, đối với các cơ quan tham mưu cấp ủy, huyện Cần Đước tiến hành nhất thể hóa một số chức danh; nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức bên trong cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện theo lộ trình từ nay đến năm 2020.
Sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với Trung tâm Y tế huyện thành Trung tâm Y tế đa chức năng; chuyển Phòng khám Đa khoa khu vực Rạch Kiến thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Đước thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện; chuyển chức năng, nhiệm vụ và đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế xã Long Hòa và Trạm Y tế thị trấn Cần Đước về Trung tâm Y tế huyện. Hợp nhất Đài Truyền thanh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và Nhà Thiếu nhi huyện; tiếp nhận Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh về UBND huyện quản lý và sáp nhập vào Ban Quản lý Dự án đầu tư của huyện;...
Dự kiến khi thực hiện Đề án sẽ giảm chi ngân sách địa phương cho hoạt động thường xuyên của tổ chức bộ máy tỉnh khoảng 45 tỉ đồng/năm; giảm chi ngân sách địa phương cho các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh giảm khoảng 82 tỉ đồng/năm;...
Ngành giáo dục cũng sẽ có nhiều biến động từ Đề án 02. Ảnh: Phạm Ngân
Thực hiện tốt chính sách với cán bộ
Đồng chí Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh: Đề án xác định việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, đơn vị phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nếu chậm triển khai hoặc triển khai không đúng tinh thần chỉ đạo sẽ bị xem xét trách nhiệm cụ thể; kết quả việc triển khai Đề án cũng là tiêu chí nhận xét, đánh giá cán bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2018 trở đi.
Dự báo việc thực hiện Đề án sẽ gặp một số khó khăn do Trung ương chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn liên quan để thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt là về cắt giảm số phòng, ban (tương đương) có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo. Việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh còn băn khoăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng tham mưu giữa cơ quan quyết định, giám sát (HĐND tỉnh) và cơ quan thực hiện, chấp hành (UBND tỉnh). Chính sách bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ đối với cán bộ thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư do sắp xếp lại đang là vấn đề bức xúc, nhất là đối với cán bộ cơ sở;...
Xác định thực hiện Đề án là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến các cấp, các ngành trong toàn hệ thống chính trị tỉnh, liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh, đặc biệt là đối với những người bị sắp xếp, dôi dư, Tỉnh ủy Long An đề ra một số giải pháp cơ bản nhằm bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện Đề án:
(1) Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chủ trương của Tỉnh ủy về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
(2) Từng địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm theo thời gian, lộ trình Đề án của Tỉnh ủy.
(3) Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ để sắp xếp, bố trí lại các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho phù hợp.
(4) Quan tâm lãnh đạo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ. Nghiên cứu, vận dụng, ban hành chế độ, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức; cán bộ, công chức được giao kiêm nhiệm, nhất thể hóa chức danh; người hoạt động không chuyên trách ở xã, ấp (khu phố),...
(5) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy bảo đảm sự đồng bộ, tinh gọn, khắc phục những chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong từng cơ quan, tổ chức.
Từ yêu cầu bức thiết của cuộc sống, với tính khoa học, phù hợp yêu cầu khách quan của Đề án, với sự chỉ đạo thực hiện kiên quyết của Tỉnh ủy Long An, từ sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và đồng thuận nhân dân trong tỉnh, nhất định Đề án 02-ĐA/TU sẽ được thực hiện thành công, tạo cú hích mạnh mẽ phát triển tỉnh nhà. Tỉnh Long An đang vươn lên dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế và thu ngân sách; Long An lại đang đi đầu trong việc sắp xếp tinh gọn, hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xứng đáng với quê hương “Trung dũng kiên cường”!
Kỳ Quan