1. Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An luôn đoàn kết, chung lòng, cùng nhau lập thành tích, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh trên các lĩnh vực, cải thiện, nâng cao đời sống người dân.
Trong Di chúc, đầu tiên Bác nói về Đảng. Bác nêu rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán, thực hiện Di chúc của Bác, công tác xây dựng Đảng ở tỉnh luôn được quan tâm đặc biệt và thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Năm 2019, tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bộ đội biên phòng giúp dân làm nhà
Năm 2019, tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Người và kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác 19/5, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để tìm hiểu sâu hơn về Di chúc, về Bác. “Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV) nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với công việc, xã hội” - ông Hoàng Đình Cán nhấn mạnh.
Trong công tác xây dựng Đảng, tỉnh luôn chú trọng xây dựng đoàn kết nội bộ; chú trọng thực hiện Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương về nêu gương CBĐV,...
Trong tháng 4, qua kiểm tra tại một số đảng ủy và bí thư đảng ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và các quy định nêu gương của Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm. Ngoài những ưu điểm, phải chỉ ra được những hạn chế, khuyết điểm và trách nhiệm của cá nhân cụ thể; tránh tình trạng tự phê bình, phê bình ngại đụng chạm, chung chung, kiểu “dĩ hòa vi quý”. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc trong nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - Lê Thanh Nghiêm cho biết: Thực hiện Di chúc của Bác, Ủy ban Kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, vi phạm; đồng thời xem xét, xử lý kỷ luật CBĐV vi phạm. Qua kiểm tra, giám sát đã tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. “Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái. Vì thế phải kiên quyết, đẩy mạnh, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi những suy thoái” - ông Lê Thanh Nghiêm nhấn mạnh.
Cùng với cả nước, Long An đẩy mạnh thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Tham nhũng được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH tỉnh nhà, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
2. Trong Di chúc của Bác cũng dành một phần đề cập đến thế hệ trẻ. Người nêu rõ: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết”.
Những lời căn dặn đó cho thấy Bác đặc biệt quan tâm và kỳ vọng ở thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, đầu năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai chương trình hành trình theo chân Bác. Cao điểm trong tháng 3 ra quân Tháng Thanh niên gắn với các công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực để thực hiện Di chúc của Bác. “Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức Về nguồn tại các địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh chia sẻ.
Trong Di chúc, Bác nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới, về việc riêng và về nhân dân lao động. Khi nói về nhân dân lao động, Bác viết: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...
Với Long An, ngoài phát triển mạnh công nghiệp, thương mại - dịch vụ thì nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển. Đơn cử như năm 2018, 21/21 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Tỉnh ủy đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 10,36%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 14.800 tỉ đồng.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh - Huỳnh Phương Vũ cho biết: Là người tham gia giảng dạy, bản thân luôn thấm thía những lời Bác căn dặn trong Di chúc. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, trường sẽ tổ chức một hội thảo khoa học trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu thêm Di chúc của Người. Hội thảo này, trường sẽ mời đại diện các sở, ngành trong tỉnh, các trường chính trị ở các tỉnh lân cận để cùng trao đổi.
Từ hội thảo, giáo viên được trau dồi, bồi dưỡng thêm kiến thức, hiểu hơn về bản Di chúc của Bác, tâm nguyện, cũng như trăn trở của Người. Qua đó, sẽ áp dụng, lồng ghép vào trong những bài giảng của mình nhằm chuyển tải những thông điệp, tư tưởng, gửi gắm của Bác đến CBĐV đang học tập tại trường, để áp dụng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị đang công tác.
50 năm trôi qua nhưng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại vẫn vẹn nguyên giá trị. Di chúc của Bác chỉ khoảng 1.000 từ nhưng từng câu, từng chữ đều thấm đẫm tình yêu thương mà Bác dành cho đất nước, cho nhân dân. Và thật xúc động khi có đoạn Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa...”./.
"Phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm. Ngoài những ưu điểm, phải chỉ ra được những hạn chế, khuyết điểm và trách nhiệm của cá nhân cụ thể; tránh tình trạng tự phê bình, phê bình ngại đụng chạm, chung chung, kiểu “dĩ hòa vi quý".
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An- Phạm Văn Rạnh
|
Lê Đức