Tiếng Việt | English

18/05/2019 - 09:42

Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019)

Thực hiện “Đoàn kết thống nhất trong Đảng” theo Di chúc của Người

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho toàn Đảng và toàn dân ta. Nói về Đảng là lời căn dặn đầu tiên trong Di chúc của Người. 50 năm qua (1969-2019), Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do sự đoàn kết trong Đảng mang lại. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người tâm huyết căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Bằng chính tấm gương sáng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và đồng chí trong Đảng, coi đó là nhân tố quan trọng để đoàn kết, Người yêu cầu, trong Đảng “phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Để Đảng xứng đáng là đội tiên phong, xứng đáng là đại biểu của giai cấp, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, củng cố sự đoàn kết trong Đảng có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Việc quán triệt, học tập, nghiên cứu để vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trong thời kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, những đức tính tốt đẹp của người đảng viên cộng sản thể hiện ở thái độ chân thành, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau; tính khiêm tốn, tính tập thể, tinh thần dân chủ, sự hợp tác tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; tình đồng đội kề vai sát cánh trong chiến đấu; trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và công tác chỉ được xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Giáo dục, thuyết phục; tự phê bình và phê bình “có lý, có tình” là phương pháp xây dựng khối đoàn kết tốt nhất. Làm sao để người tự phê bình có thể hoàn toàn yên tâm và tin tưởng ở tập thể, tổ chức của mình; nơi bản thân có thể bộc bạch từ chính lương tâm và trách nhiệm của mình để tự hoàn thiện mình. Ngược lại, người được phê bình thì nhận thấy ở đồng chí mình những lời góp ý chân tình vì sự tiến bộ của bản thân người đó.

Giải pháp để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tình yêu thương đồng chí, tôn trọng lẫn nhau cho cán bộ, đảng viên - một chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mỗi người cộng sản phải đặc biệt coi trọng. Xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, chăm lo củng cố, phát huy vai trò của cơ quan lãnh đạo và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, những khuynh hướng bè phái, chia rẽ trong Đảng. Muốn làm được điều này thì đòi hỏi toàn Đảng phải hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi.

Thấm nhuần những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, 50 năm kể từ ngày Người đi xa, Đảng ta càng ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ sống còn của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ mới càng đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường chỉnh đốn Đảng, không ngừng ngâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình để Đảng làm tròn nhiệm vụ lịch sử trước giai cấp và dân tộc, hơn lúc nào hết, phải coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết