Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá
|
1. Trong cuốn Di chúc của Bác được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tái bản, có khái quát rằng: Di chúclà một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là những lời căn dặn và tình cảm thiết tha; là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau. Di chúc của Người đã trở thành thiêng liêng, thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với những giá trị thiêng liêng đó, Thạc sĩ Đoàn Văn Xê - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Long An, cho rằng: Bản thân là người giảng dạy môn Xây dựng Đảng, tôi luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Di chúc của Bác, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng. Đó cũng là vấn đề Người trăn trở trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Từng lời Bác căn dặn trong Di chúc được Thạc sĩ Đoàn Văn Xê khắc ghi và truyền đạt cho các học viên, đa phần là những cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Có rất nhiều nội dung quý trong Di chúc được anh tâm đắc, nhất là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. ““Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi mắt mình” là câu nói không chỉ riêng tôi mà các giảng viên khác trong trường thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần với các học viên. Theo quan niệm của Bác, đoàn kết trong Đảng phải thể hiện bằng tư tưởng và hành động; trong Đảng không thể có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh” -Thạc sĩ Đoàn Văn Xê nói.
Trong thời đại ngày nay, việc quán triệt, học tập các chuyên đề cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), chống sự suy thoái trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ngoài ra, các ngành tuyên giáo, các cơ quan báo Đảng cần có phương pháp tuyên truyền, nêu gương cán bộ, đảng viên trong nhân dân để mọi người hiểu sâu hơn giá trị của Di chúc. Nhân dân cùng với chính quyền giám sát các công việc ở địa phương, chung tay xây dựng thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Ảnh: Tư liệu
2. Toàn bản Di chúc với khoảng 1.000 từ được cân nhắc kỹ từng câu, từng chữ, vậy nhưng chỉ trong hơn 3 dòng ngắn gọn, cô đọng để nói về Đảng cầm quyền, Bác dùng tới 4 chữ “thật” để nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo chia sẻ, trong Di chúc, Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên. Điều này thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với những chủ nhân tương lai của đất nước. Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn, phát triển của xã hội. Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội. Vì vậy, là thủ lĩnh thanh niên trong tỉnh, anh cho rằng, thời gian tới, tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2019 với chủ đề “Thanh niên tình nguyện”, vì vậy, gắn với thực hiện Di chúc của Bác, Tỉnh đoàn tổ chức lễ phát động, triển khai các hoạt động xung kích, tình nguyện. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào, thể hiện trách nhiệm của thanh niên với xã hội, địa bàn dân cư, phục vụ, chăm lo nhân dân, gắn với Chỉ thị 05, chuyên đề năm 2019. Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp trong tỉnh, hướng đến lợi ích cộng đồng.
Gắn với 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, tuổi trẻ Long An đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện
3. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán cho biết, nhớ lời dặn thiêng liêng của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An luôn đoàn kết, chung lòng, cùng nhau lập thành tích, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần phát triển KT-XH, đưa quê hương ngày càng đổi mới. Tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Người, năm 2019 thực hiện chuyên đề Chỉ thị 05 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên, người dân trong tỉnh. Các các cấp ủy, chi bộ,... tổ chức các hội nghị, tọa đàm, hái hoa dân chủ,... về nội dung tác phẩm Di chúc. Ngoài ra, gắn với thực hiện Di chúc, tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về phát triển KT-XH để đáp lại lời căn dặn của Bác trong Di chúc; đặc biệt tập trung cho công tác xây dựng Đảng, đoàn kết nội bộ; chú ý đến Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương về nêu gương cán bộ, đảng viên,... Đồng thời, tỉnh tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc trong nhân dân: Môi trường, giải phóng mặt bằng, chăm lo đời sống nhân dân như mong muốn của Bác.
Một mùa xuân mới lại về trên quê hương, trong niềm tự hào và lòng tôn kính Bác, chúng ta - những thế hệ đi sau thành kính tưởng nhớ về Người, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc. Thực hiện Di chúc của Bác là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhất là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình hiện nay, góp phần làm cho Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Di chúc của Bác được viết vào năm 1965 và hoàn thiện vào ngày 10/5/1969. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn ý thức được sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề đó. Người nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề là đoàn kết, “một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người yêu cầu “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi mắt mình”. “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”; “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”; “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”;... |
Song Nhi