Tiếng Việt | English

31/10/2015 - 05:45

Thủy điện làm khổ người dân Miền Trung-Tây Nguyên

Hiện đời sống của người dân khu vực miền Trung- Tây Nguyên bị đảo lộn. Các công trình thủy điện thường gây ra lũ lụt, hạn hán bất thường.

Tại thành phố Huế, Mạng Lưới Sông ngòi Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội tại Huế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Diễn đàn “Thủy điện miền Trung, quan tâm của người dân và trách nhiệm của các bên liên quan” lần thứ 2. Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các tỉnh Miền Trung-Tây Nguyên.

Tại hội thảo, một lần nữa, các đại biểu đã nêu những hệ lụy, những bức xúc từ tình trạng xây dựng thủy điện ồ ạt ở khu khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Thông tin tại diễn đàn cho biết, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có mật độ nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước với 150 thủy điện lớn nhỏ đã và đang triển khai xây dựng. Bên cạnh góp phần tăng sản lượng điện vào mạng lưới điện quốc gia, dự án thủy điện gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường. Đời sống của người dân khu vực miền Trung- Tây Nguyên bị đảo lộn. Các công trình thủy điện thường gây ra lũ lụt, hạn hán bất thường. Công tác tái định cư người dân vùng dự án không tạo ra cuộc sống tốt hơn so với nơi ở cũ.


Thủy điện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế xả lũ

Ông Lê Đặng Huy Bửu, Trưởng thôn Bến Ván 1, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế - nơi có hơn 200 hộ dân tái định cư dự án thủy điện cho biết: trước đây khi di dời khỏi lòng hồ Tả Trạch, chính quyền hứa đất đổi đất cho người dân nhưng sau 10 năm di dời, người dân chỉ mới được cấp đổi một nửa diện tích. Chính quyền cũng hứa cấp đất lâm nghiệp không hạn chế nhưng đến nay chỉ có 1/4 hộ dân được cấp đất khiến đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Ông Đặng Lê Huy Bửu cho biết: Nơi ở mới có nhiều hạn chế về đất đai so với nơi ở cũ. Người dân chúng tôi nghề ở rừng phải trồng rừng để mà sống nhưng hiện nay ở rừng không có đất màu, không có đất canh tác sản xuất nông nghiệp... Hiện nay, đất nông nghiệp cũng không có nữa nên bà con chỉ biết đi làm thuê”.

Trong suốt 10 năm qua, nhiều dự án thủy điện ồ ạt được xây dựng trên lưu vực các sông ở Miền Trung-Tây Nguyên, diện tích rừng bị thu hẹp. Người dân buộc phải di dời đến những khu tái định cư nhường đất cho thủy điện. Tuy nhiên, vấn để sinh kế hay dạy nghề và chuyển đổi nghề cho bà con khu vực tái định cư thủy điện cũng không đạt được mong muốn, không như sự cam kết của các chủ đầu tư khi xây dựng hệ thống thủy điện.

Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự điều có chung quan điểm là phát triển thủy điện nhằm ổn định nguồn năng lượng phục vụ đất nước là cần thiết, nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chủ đầu tư, người dân và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội, Ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: Phát triển thủy điện để phục vụ lợi ích quốc gia là đúng đắn, tuy nhiên các cộng đồng bị tác động cần được quan tâm và đối xử công bằng hơn.

Theo bà Lâm Thị Thu Sửu, đa số các dự án thủy điện của nước ta khi thực hiện chỉ đánh giá tác động về môi trường chứ chưa đánh giá tác động xã hội, trong khi đó tác động xã hội rất lớn: “Hiện nay, khó khăn nhất là phần sinh kế cho người dân các khu tái định cư. Họ là những người phải hy sinh mảnh đất của mình cho điện lưới quốc gia nhưng mà đến nơi ở mới họ phải chịu thiệt thòi nhất về mặt sinh kế. Họ không được cấp đất một cách đầy đủ như đất ruộng và đất rừng mà chất lượng đất rất là xấu”./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Chia sẻ bài viết