Tiếng Việt | English

19/12/2019 - 16:37

Tiện ích từ Cổng dịch vụ công quốc gia

Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) chính thức ra mắt vào chiều ngày 09/12/2019 với địa chỉ dichvucong.gov.vn. Đây là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); tiếp nhận và xử lý những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân một cách công khai, minh bạch.

Cổng Dịch vụ công quốc gia ra đời khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử

Công cụ hỗ trợ đắc lực

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An - Hồ Văn Dân, từ khi Cổng DVCQG đi vào hoạt động, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chỉ cần truy cập địa chỉ dichvucong.gov.vn với một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; theo dõi được tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC, nhất là những thủ tục có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Cổng DVCQG hiện cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố (đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, dịch vụ cấp điện trung áp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện) và 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ (cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp). Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cổng DVCQG sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công: Đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế; đăng ký khai sinh;…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng khẳng định: “Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng DVCQG đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử. Đây cũng là một công cụ hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC”.

Theo kế hoạch, từ nay đến quý I/2020, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực: Thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Các bộ, ngành cùng nhau trải nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc gia trong ngày đầu ra mắt 09/12/2019

Tiết kiệm 4.222 tỉ đồng/năm

Các dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVCQG là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở lựa chọn, các dịch vụ công được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với dịch vụ công tại thời điểm hiện tại.

Theo tính toán sơ bộ của Văn phòng Chính phủ, khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỉ đồng/năm, trong đó, chi phí tiết kiệm được do lợi ích từ việc thực hiện qua Cổng DVCQG mang lại khoảng 1.736 tỉ đồng. 

Cổng DVCQG ra đời khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, Cổng DVCQG chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu chủ yếu của Cổng DVCQG hiện nay là sớm cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ có đông đảo người dân, doanh nghiệp sử dụng.

“Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ; nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhằm giảm bớt giấy tờ, cắt giảm các thủ tục,… góp phần thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng thông tin.

Thế kỷ XXI được xem là thời đại của kỷ nguyên số (kinh tế số, công nghệ số). Sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, góp phần thúc đẩy mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội, năng lực cạnh tranh. Cho nên, việc xây dựng Cổng DVCQG là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tăng tính tương tác giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân trên môi trường mạng./.

Cổng DVCQG cung cấp các chức năng chính: Đăng nhập một lần, sử dụng 1 tài khoản của Cổng DVCQG để đăng nhập Cổng dịch vụ công của bộ, địa phương; Tra cứu về thông tin TTHC, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc; Theo dõi chi tiết, toàn bộ quá trình giải quyết TTHC, dịch vụ công; Hỗ trợ thực hiện TTHC, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công; Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc giải quyết TTHC, dịch vụ công, chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của bộ, ngành, địa phương; Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán; Đánh giá sự hài lòng trong giải quyết TTHC, dịch vụ công.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích