Tiếng Việt | English

06/03/2022 - 20:15

"Tiến tới phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên giải trình của Thường trực HĐND"

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ nhất.

Chiều nay (6/3) tại Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026.

Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Các đại biểu nghe báo cáo tham luận của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố làm rõ về 3 vấn đề: Kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh về các vấn đề giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; việc đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra của các ban của HĐND.

Về kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh về các vấn đề giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu cho biết, nội dung quan tâm nhất để tổ chức giải trình là việc lựa chọn nội dung giải trình.

Ngay sau phiên họp, để những nội dung giải trình, những vấn đề cần làm rõ, những giải pháp thực hiện được đi vào cuộc sống mặc dù Luật không quy định phải ban hành Nghị quyết, nhưng từ thực tế ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và chế tài bắt buộc phải thực hiện kết luận của Chủ tọa phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về vấn đề giải trình gửi đến các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan biết để tổ chức thực hiện.

Từ thực tiễn hoạt động, bà Cao Thị Huyền Trân, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, các phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng được tổ chức định kỳ, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng.

Bà Cao Thị Huyền Trân- Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng phát biểu tham luận

Để nâng cao chất lượng phiên giải trình của HĐND cấp tỉnh, thành phố, bà Cao Thị Huyền Trân cho rằng, việc tổ chức phiên giải trình phải được tổ chức duy trì thường xuyên với những hình thức đa dạng, có thể tổ chức một tháng 1 lần hoặc như các hình thức mà Đà Nẵng và các địa phương khác đang duy trì. Để đạt được hiệu quả của phiên giải trình thì việc lựa chọn nội dung phải có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời phát huy vai trò của các Ban HĐND và điều hành Thường trực HĐND tại các phiên giải trình, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố và các sở ngành liên quan.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận xét, các nội dung thảo luận đã chú trọng hoạt động giám sát chuyên đề, tăng cường hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND.

Từ thực tiễn hoạt động đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, đồng thời các địa phương cũng đã đề xuất nhiều giải pháp, cho thấy sự linh hoạt, chủ động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Các giải pháp này sẽ tạo sự đổi mới thực chất và phát triển toàn diện của HĐND, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của HĐND; mỗi vị đại biểu HĐND sẽ là hạt nhân đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân của mỗi địa phương và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục như: tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban.

Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị Nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực HĐND các địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần “chủ động, sáng tạo và linh hoạt” trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; theo dõi những đổi mới của Quốc hội để có thể vận dụng, đồng hành phù hợp với mỗi địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nội dung tham luận.

Trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội - Thường trực HDNĐ - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh; Quy chế làm việc của Thường trực HĐND… xác định rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Thường trực HĐND các tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, trong đó lưu ý việc tổ chức kỳ họp của HĐND, công tác chuẩn bị nội dung phải chủ động từ sớm, từ xa, tránh “bị động, lúng túng”; nội dung phải sát với thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân địa phương.

Điều hành kỳ họp phải linh hoạt, khoa học, hợp lý, giảm thời gian báo cáo, tăng thời gian thảo luận, tập trung vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề mới, khó chưa có tiền lệ.

“Coi trọng công tác tuyên truyền, nhất là các phiên thảo luận tại Hội trường, các phiên chất vấn; tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình trực tiếp đối với các phiên giải trình của Thường trực HĐND. Cần bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu để triển khai hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi vị đại biểu HĐND cần tiếp tục nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt; quan hệ mật thiết giữa cử tri, nhân dân với cá nhân mỗi vị đại biểu HĐND" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Chia sẻ bài viết