Tiếng Việt | English

16/12/2023 - 08:52

Tiếng sáo trưa

Tùng… tùng…

Tiếng trống tan trường làm bọn học sinh tỉnh ngủ, vội xếp tập vào cặp, tạm biệt cô giáo và ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Thằng Tý - lớn và to khỏe nhất lũ chúng tôi, kéo vai tôi và thằng Dậu, con Mận lại để dặn dò.

- Đúng giờ Ngọ thì ra đầu ngõ nha tụi mày! Đừng có quên đó, nhất là con Mận đừng có điệu đà thắt tóc, trễ giờ!

Nói rồi, nó vác cặp ì ạch chạy đi.

Chúng tôi thường hẹn nhau ở gốc ô môi, rồi bốn đứa cùng nhau đi mót lúa, bắt chuột, bắt ốc hoặc giăng cá. Mùa này, nắng cháy da nhưng chỉ có ban trưa, mặt trời đủng đỉnh trên đầu thì tắm ao mới thích, thế nên chúng tôi cũng đồng ý với nó và vội về nhà cất cặp sách, chuẩn bị “đồ nghề” để lên đường. Tôi đem theo một cái cần xé nhỏ, định bụng hôm nay sẽ hái thêm ít rau muống, nói má luộc thêm trứng với nước tương để ăn cơm, nghĩ đến dĩa rau xanh mướt chấm với chén trứng luộc dằm nước tương, và đũa cơm vô miệng đã thấy thèm chảy cả nước miếng. Thoáng chút đã đến giờ hẹn.

Gốc ô môi đầu xóm mùa này rực hồng, tán lá tỏa ra che mát cả một khoảnh sân rộng lớn. Lũ trẻ con xem đây là căn cứ “bí mật” để tụ họp lại với nhau. Hôm nay, thằng Tý đem theo cái cần câu, cái xô và cái xẻng, thằng Dậu và con Mận thì đem hai cái rá tre. Tôi huých tay thằng Dậu, nói nhỏ với nó:

- Thể nào nó cũng bắt tụi mình đi đào giun, bắt dế cho nó câu cá.

- Lạ gì nữa. Không làm nó lấy thịt đè người thì sức mấy tao với mày cũng… ná thở!

Nó liếc sang thấy tôi và Dậu đang lẩm bẩm, liền lên giọng ngay:

- Thằng Lê rù rì cái gì đó?

- Tao có nói gì đâu, thôi ra mương!

Đám trẻ chúng tôi nối đuôi đi theo sau thằng Tý. Nó cố dẫn chúng tôi len lỏi đi dưới bóng râm của hàng dừa, dọc hai bên là đám lúa đang độ trổ đòng. Cánh đồng lúa nghiêng mình theo từng đợt gió nổi, trải xa tít tắp, mềm mại, mênh mông, hương lúa thoang thoảng nhẹ chạm nơi đầu mũi. Đứa nào nhìn đòng đòng mà lòng cũng cảm thấy hân hoan. Mọi năm, khi lúa chín và bà con đã gặt xong, tụi nó lại ùa ra đồng mót lúa và đem đi nổ cốm gạo thơm phức. Bỗng con Mận cất tiếng hát:

“Lòng chợt buồn mênh mông

Dáng xưa tan theo giấc mộng

Chắc người đã bước sang sông

Đương mùa lúa trổ đòng đòng…”.

Con Mận - đứa con gái duy nhất của nhóm chúng tôi, gia đình nó chỉ có hai tía con, má nó đã bỏ đi từ lâu. Nó hát hay, xinh xắn và ham học, khác hẳn với lũ con trai chúng tôi chỉ lo ham chơi, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Thằng Dậu ở sát cạnh nhà con Mận, thấy nó lúc nào cũng lủi thủi nên kéo nó đi theo chơi cùng. Từ ngày có Mận, buổi trưa hè oi ả cũng mát mẻ đến lạ vì giọng hát trong trẻo của nó. Tôi thích nhất là nhìn nó ngân nga, cái má phúng phính cứ đung đưa và đôi mắt thì to tròn đen láy, thơ ngây.

Đến mương, lục bình ở đâu mà xuôi dòng về sắp kín hai bên bờ. Thằng Dậu xắn ống quần và lột áo, chuẩn bị đổ nhào xuống để bắt ốc.

- Con Mận ngồi ở trên coi quần áo, còn thằng Tý thì câu cá, tao với Lê lại đám lục bình vớt ốc. Tàn tàn, xúm lại chia nhau đem về!

Bì bõm cả buổi, tôi và thằng Dậu cũng mò được một rổ ốc to, thằng Tý được một xô cá lòng tong, còn con Mận thì đang ngồi đếm “chiến lợi phẩm”. Tôi khều thằng Dậu:

- Mày đem ốc lên chia cho tụi nó, tao lội đi hái ít rau muống.

- Ừ, nhanh kẻo trễ, trời sắp ngả chiều rồi.

Sang bên bờ, tôi nhanh tay lặt đám rau muống mọc hoang xanh tốt cho vào cần xé. Thoáng từ đâu vang đến tiếng sáo bên tai, có lúc lảnh lót, du dương, cũng có lúc trầm buồn đến lạ. Tôi ngó quanh xem tiếng sáo đến từ đâu. Thằng Tý bên kia bờ nói vọng sang:

- Thằng Lê, nhanh lên!

- Biết rồi, tao tới liền!

Một tay ôm lấy cần xé, tôi bơi về phía bọn nó đang đứng chống nạnh trên bờ. Con Mận đã chia đều thành bốn phần ốc và cá bằng nhau, tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho mâm cơm nhà thêm món ốc kho sả. Trên đường về, góc trời hồng một mảng, vệt nắng chiều lấp lánh khiến cánh đồng lại càng nên thơ, êm đềm. Tôi bất giác hỏi:

- Lúc nãy tụi mày có nghe tiếng sáo không?

Thằng Tý vuốt cái cằm, nhanh nhảu trả lời.

- Tiếng sáo của anh Út “điên” đó. Ở đây ai mà hổng biết!

- Út “điên”?

- Ừ, hôm nào ảnh cũng ra ngồi ở bụi tre thổi sáo, cứ ngẩn ngơ rồi nói cười như người điên vậy đó, nên người ta gọi ảnh là Út “điên”.

Con Mận lên tiếng:

- Tý đừng nói anh Út như vậy, tội nghiệp ảnh!

- Thì tao nghe bà mợ tao nói vậy đó. Mà sao mày để ý chi vậy Lê, đừng có bén mảng lại gần nha, coi chừng ổng… cắn!

Tôi không nói gì nữa. Đến ngã ba, chúng tôi tản nhau ra về. Trong bữa cơm tối, tôi tò mò hỏi má:

- Má biết anh Út “điên” hay thổi sáo ở mé ruộng không má? Má kể chuyện về ảnh cho con nghe với.

Má lấy vá múc trứng và gắp một đũa rau muống cho vào chén tôi.

- Biết chớ! Cái thằng hiền khô, nhà ở xóm Chợ Cũ chứ gì. Thấy mà thương! Hồi mấy năm trước, thằng Út có “cặp bồ” với chị Thương, con gái của chủ tiệm vải giàu nứt vách ở xóm mình đó, rồi con nhỏ bị tía nó cấm, bắt nó lên thành phố…

- Rồi sao nữa má?

- Thì hai đứa nó chia tay chứ sao. Con nhỏ lên thành phố thì thay tính đổi nết, cưới một thằng công tử con nhà giàu rồi không về nữa.

Tôi ngớ người.

- Sao giống phim truyền hình hồi xưa quá vậy má?

Má tôi tặc lưỡi.

- Xưa nay gì cũng vậy. Nếu má là ông Cả, má cũng muốn gả con gái cho một người xứng đôi vừa lứa. Vậy nên mày cũng phải ráng học hành cho tử tế để thoát nghèo rồi cưới vợ, nghe chưa?

Tôi gật gù, tự dưng thấy mâm cơm cũng không còn ngon miệng. Tôi ngồi chống cằm bên chiếc bàn học nhìn lên trời, mặt trăng hôm nay tuy khuyết nhưng vẫn sáng bưng trên nền trời đen thẳm, tôi đưa tay lật sách đọc từng trang một.

Cuộc sống của tôi trôi qua bình thường như trước đây, tôi vẫn hay cùng con Mận, thằng Dậu, thằng Tý ra đồng, tắm ao, bắt cá,… Có những hôm chủ nhật, tôi thường trốn bọn nó, len lén ra ngồi bên bờ sông, nghe anh Út “điên” thổi sáo. Có khi anh thổi từ buổi ban trưa, dưới cái nắng thổi tạt từng cơn nóng gắt vào mặt. Cũng có khi anh thổi từ buổi chiều tà, khi phiên chợ đã vãn, chỉ còn vài con chó, con mèo lò dò đi tìm miếng ăn. Tiếng sáo bao giờ cũng rất buồn và da diết.

Bẵng đi một thời gian, do bận bịu ôn thi cuối kỳ trên lớp, tôi cũng quên mất anh Út ngồi thổi sáo. Nghỉ hè đến, tôi phải ra đồng phụ tía má từ lúc mặt trời còn ngái ngủ đến khi những tia nắng nhợt nhạt yếu ớt cũng dần tan biến đi trên vạt lá. Tôi không còn gặp tụi thằng Tý, thằng Dậu và con Mận thường xuyên nữa. Cho đến một hôm, thằng Dậu hớt hải chạy sang nhà tôi, báo với tôi rằng nhà con Mận đã dỡ đi, má nó về đón tía con nó lên Bình Dương để làm ăn, không biết khi nào mới về lại hoặc có khi là không về nữa. Thằng Dậu nói:

- Con nhỏ cũng ác, nó không gặp tụi mình để chào tạm biệt.

Tôi im lặng, thoáng chốc gương mặt Mận in hằn rõ ràng trong tâm trí tôi. Mận hay thắt bím tóc và kẹp nơ trên đầu, đôi mắt nó trong veo nhưng buồn rười rượi, cái môi nhỏ chúm chím và khi cười thì có cái lúm đồng tiền sâu hoắm. Chắc nó không gặp chúng tôi chia tay vì nó nghĩ rằng nó sẽ còn quay về xóm này và lại cùng chúng tôi rong ruổi trên những cung đường đầy nắng gió, hương lúa mạ non hoặc nó sợ sẽ luyến tiếc, hoặc nó không nỡ nhìn cảnh chia ly,…

Tôi đâu biết. Lúc này, trong đầu tôi chỉ còn văng vẳng:

“Lòng chợt buồn mênh mông

Dáng xưa tan theo giấc mộng

Chắc người đã bước sang sông

Đương mùa lúa trổ đòng đòng…”./.

Thùy Dương

Chia sẻ bài viết