Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở phải là công việc thường xuyên, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức, mỗi cấp, phù hợp với đặc điểm địa phương, cơ sở; hoạt động Đoàn phải chuyển mạnh về cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng tham gia các phong trào cách mạng.
Theo đó, nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn cấp cơ sở cần đổi mới để thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của TN, do TN và vì TN. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ trong phối hợp hành động giữa Đoàn cấp xã với MTTQ và các đoàn thể, tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn, có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước; trong đó, cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hành dân chủ.
Nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi đoàn, triển khai, thực hiện chủ trương 1+1
Thực trạng tổ chức đoàn cơ sở
Hiện nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức Đoàn cấp huyện và 6 tổ chức Đoàn trực thuộc, 277 Đoàn cơ sở, 162 chi đoàn cơ sở, 2.615 chi đoàn với 55.255 đoàn viên. Đối với tổ chức Đoàn cấp xã: Toàn tỉnh hiện có 188 Đoàn xã, phường, thị trấn với 376 cán bộ Đoàn. Trong đó về độ tuổi: Có 258 cán bộ Đoàn dưới 30 tuổi; 112 cán bộ Đoàn từ 30-35 tuổi, 6 cán bộ Đoàn trên 35 tuổi. Về trình độ chuyên môn: Đại học chiếm 82,4%; cao đẳng, đang học đại học chiếm 17,6%. Về trình độ lý luận chính trị: 80,7% cán bộ Đoàn có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 19.3% có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã đang từng bước được kiện toàn, trẻ hóa, có trình độ và năng động, sáng tạo hơn trong công tác. Đội ngũ cán bộ Đoàn trong cả hệ thống thường xuyên được tăng cường, đáp ứng tốt yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể đối với công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi sâu sát và tập trung hơn, đặc biệt là việc chăm lo quyền lợi chính trị cho cán bộ Đoàn; tạo động lực, điều kiện thuận lợi để cán bộ Đoàn phát huy khả năng, sở trường, cống hiến để trưởng thành.
Thời gian qua, Đoàn TN cấp xã thực hiện nhiều nội dung, biện pháp và hình thức giáo dục, tập hợp đoàn viên, TN. Xung phong trong các phong trào cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể là triển khai nội dung, hình thức giáo dục thông qua các phương pháp chỉ đạo khác nhau, nhất là việc bồi dưỡng tập huấn lực lượng tuyên truyền viên, cán bộ Đoàn làm công tác tuyên truyền giáo dục, về kỹ năng phương pháp truyền thông theo các chủ đề, đối tượng, các sự kiện chính trị - xã hội hoặc theo các ngày lễ lớn trong năm. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao trình độ giác ngộ lý tưởng, niềm tin cho đoàn viên, TN, góp phần thực hiện lý tưởng, mục tiêu của Đảng. Giúp các tổ chức cơ sở Đoàn xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là nền tảng của Đoàn, là nơi thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đoàn thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Đoàn cấp xã đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng được sự phát triển của đất nước, của xã hội, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của tuổi trẻ, đồng thời tăng cường đoàn kết, tập hợp TN.
Tuy nhiên, hoạt động Đoàn tại cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định, hầu hết chức danh phó bí thư đoàn cấp xã đều kiêm nhiệm từ các ngành, đoàn thể khác, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tham mưu, triển khai, thực hiện các hoạt động Đoàn tại cơ sở. Song song đó, một số nơi cơ cấu cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng kịp với đòi hỏi của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi thời kỳ mới, điều này làm hạn chế khả năng lãnh, chỉ đạo thực tiễn của cán bộ cấp xã với cơ sở. Một số nơi triển khai các hoạt động phong trào chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn mang tính hình thức, chưa gắn với nhu cầu của TN nên chưa thu hút được đông đảo đoàn viên, TN.
Giải pháp nâng cao hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn. Đảng định hướng cho Đoàn hoạt động theo lý tưởng, đường lối của Đảng, phát huy tính độc lập, tự quản của Đoàn. Đảng chỉ đạo quán triệt nhận thức đúng về chức năng, vị trí, vai trò của Đoàn TN trong hệ thống chính trị, từng bước thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng Đoàn trong hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Nhà nước, chương trình hành động của các đoàn thể phối hợp Đoàn TN chăm lo giáo dục TN.
Thứ hai, tập trung nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, phát huy tính nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các nội dung của công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt cấp xã phải là những người có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi trong lĩnh vực của mình, có uy tín cao và khả năng thuyết phục, vận động, tập hợp thanh, thiếu nhi, vì vậy cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, chất lượng bảo đảm. Thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn; chú trọng bồi dưỡng năng lực, trình độ hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn phải bám sát cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp mình, phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách, nhất là chế độ đãi ngộ, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện động viên đội ngũ cán bộ làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh, thiếu nhi. Khắc phục tình trạng phân công cán bộ hạn chế về phẩm chất và năng lực, yếu kém trong hoạt động đoàn thể.
Thứ ba, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của cơ sở Đoàn. Các chi đoàn, Đoàn cơ sở chủ động xây dựng chương trình công tác hàng tháng, quí theo chủ đề, chủ điểm gắn với sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, phù hợp với tình hình nhiệm vụ của địa phương; vận dụng linh hoạt việc gắn sinh hoạt, hoạt động của Đoàn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, TN trên địa bàn; nội dung sinh hoạt phải phù hợp theo từng nhóm đối tượng đoàn viên, TN. Xác định rõ nhiệm vụ chính của tổ chức Đoàn ở từng địa bàn, khu vực để tập trung thực hiện tốt, tránh dàn trải.
Thứ tư, các cấp bộ Đoàn cần phát huy vai trò chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy Đảng tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động của các cấp bộ Đoàn. Chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp làm việc của UBND với Đoàn TN cùng cấp nhằm tranh thủ nguồn lực, sự phối hợp với các ngành để thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn hàng năm.
Thứ năm, tập trung thực hiện công tác rà soát, củng cố tổ chức Đoàn các cấp. Thường xuyên thực hiện công tác rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình hoạt động của từng chi đoàn trên địa bàn dân cư; sắp xếp, củng cố lại các chi đoàn tại các địa bàn có sự thay đổi về đơn vị hành chính do thực hiện công tác sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính. Đối với những chi đoàn hiện có quy mô đoàn số ít, không đủ điều kiện để tổ chức hoạt động thì nghiên cứu sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh chi đoàn theo đơn vị hành chính, có thể thành lập chi đoàn liên ấp, liên khu phố...
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn cấp xã là nhu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, qua đó đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò và quyền làm chủ của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế, vai trò của Đoàn cấp xã trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn - Võ Minh Quốc