Tiếng Việt | English

06/09/2021 - 09:34

'Tin giả' - mối nguy hiểm thường trực trong "cuộc chiến" chống đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ta, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tình trạng tin giả về dịch bệnh gây nhiễu loạn trên Internet, mạng xã hội cũng đã trở thành “đại dịch” nguy hiểm, đáng sợ không kém dịch bệnh...

“Tiếp tay cho giặc”

Nhìn lại hơn 1 năm qua, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay, trên không gian mạng đã có rất nhiều thông tin thất thiệt, xuyên tạc, thu hút hàng triệu người bình luận, chia sẻ. Hành vi trên của một số người dân phần nhiều do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu ý thức trong việc tạo tin và đưa tin lên mạng xã hội. Mặt khác, do người tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, muốn tạo thông tin lạ, tin hot nhằm câu like, view gây sự chú ý trên không gian mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online,... Nhưng cũng cần cảnh giác, rất có thể một số phần tử bất mãn trong nước tung tin thất thiệt theo sự giật dây của các thế lực thù địch.

Qua câu chuyện “Bác sĩ Trần Khoa” để thấy, tin giả đã gây nhiễu loạn thế nào đối với đời sống xã hội giữa lúc cả nước đang "gồng mình" chống dịch nói chung, nói riêng TP.HCM qua hơn 2 tháng giãn cách xã hội nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, ngày 07/8/2021, trên mạng xã hội xuất hiện status của nick name Trần Khoa, Facebook này chia sẻ câu chuyện vô cùng cảm động về sự “hy sinh cao cả của bác sĩ Khoa” khi quyết định rút máy thở của mẹ mình để cứu sản phụ... Chỉ khi Sở Y tế TP.HCM lên tiếng xác nhận, câu chuyện của “bác sĩ Khoa” được đăng tải là hư cấu, tin giả, nhiều cư dân mạng “than thở” đã phí hoài nước mắt, nhiều chủ tài khoản lặng lẽ gỡ bài, người dũng cảm thì viết lời xin lỗi...

Qua sự việc này để thấy, ai trong chúng ta cũng rất dễ rơi vào bẫy tin giả. Nhẹ thì cảm xúc của mình bị dẫn dắt bởi những điều không có thực, nặng hơn có thể sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì chia sẻ, lan truyền tin giả. Có một thực tế chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, trong "cuộc chiến" chống “giặc Covid”, lẩn khuất đâu đó đã có rất nhiều “virút tin giả”, tin xấu, phóng đại hiện tượng tiêu cực, phát sinh cục bộ, do các phần tử xấu tung ra nhằm gây hoang mang trong dư luận, tạo ra hình ảnh xấu, làm mất uy tín của Đảng và Chính phủ, gây chia rẽ trong nhân dân.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ năm 2020 đến nay, đơn vị này và công an các địa phương đã triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng với số tiền hơn 5 tỉ đồng,... Những con số nêu trên cho thấy, cơ quan Công an các cấp đã nỗ lực rất nhiều để dẹp nạn tin giả ăn theo dịch Covid-19. 1.800 đối tượng bị xử lý đã tung ra bao nhiêu con “virút tin giả”, độc hại? Những con “virút” này đã cản trở, phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, thứ hai, thứ ba và làn sóng thứ tư như thế nào? Rõ ràng tính chất phức tạp, độ tinh vi của kẻ khởi tạo tin giả ngày càng cao tay hơn...

Không chỉ gây hoang mang trong dư luận, gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân khó phân biệt được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin giả, để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tin giả còn gây khó khăn cho công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, khi mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thì sự xuất hiện tràn lan những tin đồn thất thiệt, tin giả như trên chẳng khác nào “tiếp tay cho giặc”.

Những giọng điệu xuyên tạc, chống phá

Vài tháng qua, từ những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt, chống phá,... chúng ta thấy tập trung vào những vấn đề sau: Một số tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng “khoảng trống thông tin” (khi các cơ quan báo chí của ta chưa đăng phát kịp thời) để cóp nhặt, nhào nặn, lồng ghép tạo dựng những thông tin giả mạo bóp méo, xuyên tạc sự thật rồi tung lên mạng nhằm cản trở "cuộc chiến" phòng, chống đại dịch của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta; trong thực hiện chủ trương tiêm vắc-xin, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc rằng: Việt Nam quá lạc quan với kết quả phòng, chống dịch bằng biện pháp hành chính nên “thiếu chủ động” trong thực hiện tiêm vắc-xin, từ một số trường hợp có tác dụng phụ sau khi tiêm, các cơ quan báo chí chính thống chưa kịp thông tin thì một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài móc nối với các đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị trong nước đã đưa ra những thông tin rất phi khoa học để so sánh, suy diễn cho rằng loại vắc-xin này tốt, vắc-xin kia không tốt; cán bộ thì được tiêm vắc-xin tốt, còn vắc-xin chất lượng thấp thì tiêm cho người dân và đưa ra “khuyến cáo” chỉ tiêm loại vắc-xin do nước này sản xuất không nên tiêm vắc-xin của nước kia...; xuyên tạc công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chúng cho rằng, tình hình dịch phức tạp mà vẫn thực hiện “mục tiêu kép” là coi thường tính mạng, sức khỏe nhân dân... Chiêu trò này thực chất là nhằm tạo dư luận trái chiều, kích động người dân gây áp lực với Đảng và Nhà nước. Những thông tin thất thiệt, xấu độc này càng trở nên nguy hiểm khi một số người dân thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm lên mạng xã hội “té nước theo mưa” chia sẻ, phát tán, bình luận,...

Không tiếp tay cho giặc

Trước tình trạng nhiễu loạn thông tin liên quan đến phòng, chống đại dịch Covid-19 trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý tốt một số vấn đề: Khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh, không nghe theo các thông tin không chính xác, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng; tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh.

Biện pháp cơ bản và lâu dài là phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch Covid-19 cho nhân dân nhằm nâng cao cảnh giác, chọn lọc thông tin một cách sáng suốt, để hiểu và có thái độ đúng đắn, trước hết là tinh thần tích cực, bình tĩnh dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để đối phó với tin giả, các thủ đoạn phá hoại; huy động sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, khi tham gia vào môi trường mạng, mỗi người bằng kiến thức, hiểu biết và trách nhiệm của mình hãy suy xét thận trọng, kỹ lưỡng trước những thông tin, hình ảnh, video tiếp cận, đừng vì nhẹ dạ, cả tin mà biến mình thành nạn nhân của đại dịch “tin giả”.

"Cuộc chiến" phòng, chống đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều và phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Đây chính là thời điểm mà mỗi người dân thể hiện rõ nhất trách nhiệm công dân của mình, đồng sức, đồng lòng phấn đấu vì mục tiêu chung chiến thắng đại địch Covid-19. Một trong những việc làm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực nhất trong lúc này là nói không và kiên quyết tuyên chiến với “đại dịch” tin giả./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết