Tiếng Việt | English

01/02/2021 - 09:27

Tình người trong khó khăn, hoạn nạn

Dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”. Khi gặp khó khăn do thiên tai, địch họa thì truyền thống này càng được phát huy. Nhìn lại năm 2020, trong tình hình bão, lũ nhưng đồng bào miền Trung không hề đơn độc.

Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung tại chương trình Gắn kết yêu thương

Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung tại chương trình Gắn kết yêu thương

Hàng triệu trái tim hướng về vùng bão, lũ, tiếp sức để người miền Trung vượt qua những ngày khó khăn, hoạn nạn. Sự hỗ trợ ấy làm ấm lòng người dân vùng bão, lũ, làm sáng ngời phẩm chất đoàn kết của người Việt Nam. Đó cũng là bài học quý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021.

Chưa đầy 1 tháng, 3 đợt áp thấp và 4 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung. Mưa lớn nhiều ngày khiến các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế,... chìm trong biển nước. Bão, lũ đã cô lập nhiều thôn, xóm nhưng không thể chia cắt được tình cảm người dân, của hàng triệu trái tim hướng về miền Trung. Một lần nữa, tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại nhân lên trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng được thực hiện nhằm giúp đỡ, san sẻ cùng đồng bào vùng thiên tai. Ai cũng trở thành mạnh thường quân, từ cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ ít nhất 1 ngày lương; đông đảo giáo viên và học sinh trong các trường học tích cực hưởng ứng đến các doanh nghiệp, tiểu thương, người dân,... trong tỉnh đều gửi về đóng góp. Thậm chí, nhiều đoàn từ thiện tại các địa phương trực tiếp ra miền Trung cứu trợ, điển hình như đoàn từ thiện huyện Châu Thành.

Dù biết trước sẽ khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm nhưng theo “mệnh lệnh từ trái tim”, họ tạm gác công việc và chuyện gia đình, vượt 1.200km đến trao tận tay những phần quà cho từng hộ dân nơi rốn lũ. Anh Phạm Đào Nguyễn (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) cho biết, nhìn những hình ảnh miền Trung chìm trong biển nước, người miền Trung chịu nhiều mất mát, khó khăn, nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân hảo tâm đã đóng góp, huy động và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều mạnh thường quân trên địa bàn huyện.

Anh Phan Hoài Lâm (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) vận động hơn 2 tấn gạo, 500 thùng mì gói, 100 thùng sữa, hàng trăm chai nước tương, dầu ăn, nước mắm, bánh,... Tất cả hàng hóa cứu trợ được đoàn chuyển đến đồng bào vùng lũ.

Bão, lũ lạnh lẽo, nhưng tình cảm người dân Châu Thành và Phong Điền luôn ấm áp

Bão, lũ lạnh lẽo, nhưng tình cảm người dân Châu Thành và Phong Điền luôn ấm áp

Theo anh Lâm, đoàn trực tiếp đến huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế để trao quà cho người dân. Dịp này, đoàn cũng tặng quà cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Đại học Nông Lâm Huế, sau đó quay lại xã Phong Hóa (một trong những xã ngập nặng nhất lúc đó), huyện Phong Điền, tiếp tục trao hơn 600 phần quà. Hoàn thành nhiệm vụ, đoàn quay về ngay trong đêm. Các khoản chi phí đi lại, anh em trong đoàn đều tự chi trả. “Đáp lại tấm lòng của người dân Châu Thành là những nụ cười, lời cảm ơn chân thành cùng cái nắm tay bịn rịn của người dân miền Trung” - anh Lâm thổ lộ.

Những hành động tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn điểm tô thêm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Bão, lũ rồi sẽ đi qua nhưng tình người vẫn còn đọng mãi. Từ sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội, người dân miền Trung có thêm động lực, vững vàng đứng lên sau hoạn nạn, khó khăn như câu nói “sau cơn mưa trời lại sáng”./.

Những hành động tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn điểm tô thêm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Mưa lũ rồi sẽ đi qua nhưng tình người vẫn còn đọng mãi. Từ sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội, người dân miền Trung có thêm động lực, vững vàng đứng lên sau hoạn nạn, khó khăn như câu nói “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết