Tọa đàm do Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Tạ Thị Yên và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang - Đinh Thị Việt Huỳnh chủ trì.
Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khách mời
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 05 và 06/4/2022, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, nhất là hoạt động thực tiễn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm mới, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND cấp tỉnh. Trong đó tập trung vào công tác tham mưu chuẩn bị nội dung, tổ chức kỳ họp gắn với việc ban hành nghị quyết của HĐND; hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức của văn phòng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Long An - Đặng Thanh Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, văn phòng đã tham mưu, phục vụ HĐND và Thường trực HĐND tỉnh hoàn thành khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, văn phòng luôn chủ động nghiên cứu, tham mưu HĐND và Thường trực HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn làm cơ sở định hướng cho hoạt động cả nhiệm kỳ. Đặc biệt là Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng thời, văn phòng tham mưu Thường trực HĐND tỉnh họp với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan từ rất sớm để thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp; tham mưu phân công các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung liên quan để Ban chủ động nắm thông tin, làm cơ sở thực hiện thẩm tra. Từ năm 2021 đến nay, văn phòng đã tham mưu nội dung, chương trình kỳ họp, thẩm tra, phối hợp rà soát 177 nghị quyết của 6 kỳ họp HĐND tỉnh.
Theo ông Đặng Thanh Bình, kinh nghiệm của Long An là chủ động thành lập các Tổ giúp việc, Tổ theo dõi công việc. Trong hoạt động giám sát chuyên đề, văn phòng đã thành lập Tổ giúp việc chịu trách nhiệm “tiền giám sát”, chủ động nghiên cứu trước báo cáo của các đơn vị gửi về, tài liệu, văn bản liên quan hoạt động giám sát; làm việc trước với các địa phương, cơ quan có liên quan nắm tình hình, thông tin. Từ đó tổng hợp báo cáo sơ bộ về kết quả làm việc tại địa phương, cơ quan và đề xuất Đoàn giám sát các nội dung cần đặt vấn đề với cơ quan chịu sự giám sát, dự thảo Kết luận của Trưởng đoàn giám sát. Vì vậy việc tham mưu hoạt động giám sát chặt chẽ, bài bản và hiệu quả.
Ngoài ra, văn phòng còn thành lập Tổ tiếp nhận, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, đi xác minh kết quả giải quyết. Qua đó, tổ đã có báo cáo, đề xuất cụ thể với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế tổ chức nhiều cuộc giám sát; có kết luận, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết nhiều trường hợp khiếu nại của người dân liên quan lĩnh vực đất đai.
Văn phòng cũng đã tham mưu trang bị máy tính bảng cho đại biểu HĐND tỉnh; tổ chức “kỳ họp không giấy” qua việc sử dụng hệ thống E-cabinet để truy cập tài liệu và biểu quyết điện tử thông qua nghị quyết; tham mưu họp HĐND, tiếp xúc cử tri với hình thức đa dạng vừa trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tham mưu tạo Diễn đàn để cử tri tham gia ý kiến, tương tác hai chiều với đại biểu HĐND tỉnh trên Trang thông tin điện tử và qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube của HĐND tỉnh).
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Long An - Đặng Thanh Bình phát biểu tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Long An - Đặng Thanh Bình kiến nghị Trung ương nên có sự ổn định mô hình của cơ quan tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Theo đó, mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố như hiện nay là phù hợp và tối ưu nhất; không nên có sự thay đổi, điều chỉnh (vì trước nay thay đổi liên tục mô hình trong thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc tổ chức, sắp xếp cán bộ và cơ cấu bộ máy,…).
Thời gian qua, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử, trong đó có mời cán bộ chuyên môn của văn phòng tham dự nhưng chưa tổ chức riêng hoạt động trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham mưu, giúp việc các mảng công tác cho cán bộ, công chức văn phòng. Vì vậy, ông Đặng Thanh Bình kiến nghị Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện quan tâm tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu dành riêng cho cán bộ văn phòng.
Về chế độ, chính sách, hiện nay, cán bộ phục vụ Đoàn ĐBQH có khác và cao hơn so với HĐND tỉnh. Do đó, ông Đặng Thanh Bình kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội xem xét có quy định, hướng dẫn thống nhất, đồng bộ về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố./.
An Kỳ