Tiếng Việt | English

22/11/2016 - 16:59

Tôn giáo tiếp sức đến trường

Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các cơ sở tôn giáo (CSTG) trên địa bàn tỉnh Long An tích cực thực hiện gắn với các hoạt động từ thiện - xã hội. Chỉ 3 năm, từ 2013-2015, các CSTG trong tỉnh vận động hơn 46 tỉ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài.

Gần 50% cơ sở tôn giáo có Ban Khuyến học

Long An có nhiều tôn giáo như: Phật giáo, Cao đài với nhiều hệ phái, Công giáo, Tin lành, Tịnh độ cư sĩ, Phật giáo Hòa hảo,... với trên 500 cơ sở thờ tự ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Với phương châm “Sống tốt đời - đẹp đạo”, các tôn giáo trong tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.


Học sinh tặng hoa tri ân đại diện các cơ sở tôn giáo hỗ trợ mình trong cuộc sống, học tập

Sự quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài ở các CSTG được thể hiện rõ qua sự phát triển ban khuyến học. Nếu như năm 2013, chỉ có 76 ban khuyến học trong CSTG thì hiện nay tăng lên 223 ban, chiếm gần 50% CSTG có ban khuyến học. Toàn tỉnh hiện có gần 35.000 tín đồ các tôn giáo là hội viên Hội Khuyến học.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An - Phạm Thanh Phong, các tôn giáo tham gia khuyến học, khuyến tài với nhiều hình thức phong phú như giúp đỡ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động tiếp sức đến trường, tiếp sức mùa thi; mở các lớp dạy văn hóa, ngoại ngữ, tin học; nuôi dạy các em cơ nhỡ, mồ côi.

Chỉ 3 năm (2013-2015), các CSTG trong tỉnh vận động hơn 46 tỉ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài; tín đồ “nuôi” trên 1.600 con heo đất khuyến học với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng; cấp hơn 5.300 suất học bổng cho học sinh nghèo với số tiền hàng tỉ đồng. Những sự tiếp sức này giúp nhiều em được tiếp tục con đường học tập, học tập cao hơn.

“Từ sự tham gia tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài, các tôn giáo góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS trong tỉnh và có 140/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học” - ông Phạm Thanh Phong đánh giá.

Ngoài hỗ trợ còn nuôi, dạy trẻ mồ côi, cơ nhỡ

Không chỉ vận động hỗ trợ học bổng, tặng quà cho học sinh nghèo, nhiều CSTG còn nuôi, dạy trẻ mồ côi, cơ nhỡ,... Như chùa Long Thạnh, nhiều năm qua vận động nuôi dạy hàng trăm học sinh cơ nhỡ, mồ côi, bị bỏ rơi, gia đình quá nghèo ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Không chỉ cưu mang ăn, ở, những em sống tại đây được nhà chùa cho đi học ở các trường lân cận.


Trụ trì chùa Bửu Vân, huyện Tân Trụ - Thích Huệ Vân và các em ở lớp học tình thương mở tại chùa

Để tạo điều kiện cho các em có điều kiện học tập tốt hơn, năm 2011, trụ trì Thích Quảng Tâm còn vận động mạnh thường quân xây dựng Trường Tiểu học-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy. Đến năm học 2012-2013, trường chính thức đi vào hoạt động, không thu học phí. Đến nay, trường có 17 phòng học, 180 học sinh từ lớp 1 đến 12 theo học và 49 cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy.

“Cả 3 năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016, trường đều có tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp THPT quốc gia 100%. Nhiều em đậu vào các trường đại học, cao đẳng hoặc đi học nghề” - trụ trì Thích Quảng Tâm cho biết.

Chùa Bửu Vân, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ từ năm 2013 vận động mạnh thường quân hỗ trợ máy vi tính để mở lớp dạy tin học miễn phí tại chùa. Thầy Hồ Văn Kín - giáo viên Trường THPT Tân Trụ tình nguyện đứng ra giảng dạy. “Hiện tại, chùa có 21 máy vi tính, từ năm 2013 đến nay, chùa mở được 10 lớp học với 310 học sinh theo học, có 196 em thi và được cấp chứng chỉ A. Ngoài ra, chùa còn mở 3 lớp dạy Anh văn, có 61 học sinh tham gia học” - trụ trì chùa Bửu Vân - Thích Huệ Vân cho biết.


Nhiều cơ sở tôn giáo mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh nghèo

Nói về các CSTG tham gia khuyến học, khuyến tài, ông Phạm Thanh Phong cho biết thêm: “Những năm qua, trên địa bàn xuất hiện nhiều tập thể, tín đồ điển hình, là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài chùa Long Thạnh, huyện Thủ Thừa và chùa Bửu Vân, huyện Tân Trụ, còn có nhiều điển hình khác như Chi hội Khuyến học Hưng Thuận - chùa Trung Thuận, huyện Châu Thành; ni sư Phan Kim Huê ở chùa Hội Nguyên, TP.Tân An; Ban Khuyến học giáo xứ Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa; Phật giáo Hòa hảo Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng;...”./.

Em Huỳnh Tấn Phong - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Tân Trụ, đang sinh sống tại chùa Bửu Vân: “Con biết rằng, tình thương yêu, sự cưu mang mà trụ trì chùa Bửu Vân dành cho con và các anh, em con vô cùng lớn lao. Chúng con thường gọi sư trụ trì bằng “ông nội”. Con luôn nhắc nhở bản thân phải sống, học tập, lao động thật tốt để xứng đáng với sự tin tưởng, tình yêu thương của ông nội. Con mong rằng, ông nội có thật nhiều sức khỏe.

Em Nguyễn Thị Phương Thanh - học sinh lớp 10 Trường Tiểu học-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy: “Hàng ngày, chúng con được thầy trụ trì chùa Long Thạnh chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Thầy thường dạy chúng con phải cố gắng học tập để sau này có cuộc sống tốt đẹp. Thầy còn dạy chúng con lễ nghĩa làm người, phải biết học tập cái tốt và tránh xa cái xấu.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích