Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10-1/11/2022. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Năm 2022, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tình cảm hữu nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam.
Theo ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc là "rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới."
Trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đại sứ Hùng Ba đã chia sẻ với báo chí về sự đau buồn vô hạn và nhìn lại đóng góp to lớn của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lãnh đạo vĩ đại của Nhân dân Việt Nam
- Thưa Đại sứ, ông có đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam?
Đại sứ Hùng Ba: Trước hết, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với nỗi đau buồn vô cùng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngay lập tức gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trân trọng tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đến chào từ biệt, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ công tác. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam. Ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ XI, XII và XIII của Đảng và rất được Nhân dân Việt Nam ủng hộ, yêu mến.
Trong hơn 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công cuộc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất, mà còn là nhà lý luận vĩ đại, nhận thức sâu sắc và tỉnh táo đối với việc Việt Nam phải kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Đảng và con đường xã hội chủ nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc cho cá nhân tôi.
- Thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đại sứ có đánh giá thế nào về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vấn đề này?
Đại sứ Hùng Ba: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng việc tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với thái độ “không khoan nhượng” và đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc cho việc duy trì an ninh trật tự xã hội và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của nước mình.
Vun đắp tình hữu nghị có một không hai
- Những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Theo ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vai trò như thế nào trong việc thực hiện đường lối này?
Đại sứ Hùng Ba: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất kiên trì thực hiện “ ngoại giao cây tre,” nhấn mạnh “gốc vững,” tức là cần phải kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đồng thời phải linh hoạt về mặt sách lược, trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, tích cực phát triển quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc ngoại giao Việt Nam giành được thành tựu quan trọng, chính như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay.”
Chúng tôi nhận thấy ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và các nước đối tác hữu nghị truyền thống. Việt Nam kiên định ủng hộ chủ nghĩa đa phương thực sự, coi trọng bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa quốc tế, phản đối chính trị hóa vấn đề nhân quyền, phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Phía Trung Quốc đánh giá cao điều này.
Năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
- Ông có đánh giá thế nào về đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tổng thể quan hệ Việt-Trung?
Đại sứ Hùng Ba: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đồng chí thân thiết và người bạn chân thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, đã kế thừa và phát triển mối tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc, kết nên mối tình hữu nghị nồng thắm với Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp đáng kể cho việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là có 3 chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử với Tổng Bí thư Tập Cận Bình, cùng nhau định hướng cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời đại mới.
Trong hai năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đón tiếp nồng nhiệt Tổng Bí thư Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào cuối năm ngoái. Tổng Bí thư hai Đảng cùng nhau tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, xác định định vị mới cho quan hệ hai nước trong thời đại mới, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước lên một tầm cao lịch sử mới.
- Dưới góc độ cá nhân, xin Đại sứ chia sẻ cảm nhận và ấn tượng sâu sắc của mình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đại sứ Hùng Ba: Trong nhiệm kỳ hơn 5 năm làm Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, tôi đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi nhậm chức vào năm 2018, tôi rất vinh dự được trình Quốc thư lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đại sứ nước ngoài trình Quốc thư sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và được lắng nghe những ý kiến quan trọng, sâu sắc của Người về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc-Việt Nam. Tôi cảm thấy hết sức ấn tượng.
Một sự kiện làm cho tôi nhớ nhất là ngày 25/8/2023, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cùng ông đi thăm Cửa khẩu Hữu Nghị tỉnh Lạng Sơn ở khu vực biên giới giữa hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại cửa khẩu Hữu nghị Việt-Trung là có một không hai trên thế giời, lan tỏa thông điệp quan trọng với nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế rằng tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung là có một không hai.
Tôi đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng lại Cây hữu nghị Việt-Trung. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất tình cảm rằng “cây hữu nghị này gốc vững như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Dưới sự chăm lo của nhân dân hai nước, cây hữu nghị này chắc chắn sẽ lớn lên khỏe mạnh.” Có thể nói rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đích thân thúc đẩy mối tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, khiến tôi vô cùng xúc động.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Đại sứ Hùng Ba vừa đến chào từ biệt các lãnh đạo Việt Nam hôm 11/7/2024 nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác. Ông Hùng Ba khẳng định rằng sau khi kết thúc nhiệm kỳ, dù trên bất kỳ cương vị nào, ông sẽ luôn theo dõi và tiếp tục đóng góp tích cực cho quan hệ láng giềng hữu nghị, cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. |
Theo TTXVN
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-la-nha-chinh-tri-kiet-xuat-nha-ly-luan-vi-dai-post965767.vnp