Tiếng Việt | English

28/06/2015 - 08:35

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người luôn đặt niềm tin vào cán bộ trẻ

Cái hay ở Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, theo ông Tô Bửu Giám đó chính là đặt niềm tin vào cán bộ trẻ.

Không chỉ quan tâm đến đổi mới kinh tế, Bí thư Thành ủy  TP.HCM - Nguyễn Văn Linh còn rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng cán bộ cho lâu dài, nhất là những cán bộ trẻ. Bên cạnh đó, đồng chí đã khéo léo trong công tác dân vận, hòa hợp dân tộc để phát huy sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành phố và đất nước.


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 6 ngày 18-12-1986 (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Cùng làm việc chung tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và Văn phòng Trung ương Cục miền Nam trong những năm kháng chiến, sau này trở thành Trợ lý đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Tô Bửu Giám là người rất am hiểu cách bồi dưỡng, sử dụng cán bộ của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Nhớ lại thời kỳ đó, ông Tô Bửu Giám cho biết: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nhắc nhở, phải hết sức chăm sóc và đào tạo cán bộ vì cán bộ là vốn quý của Đảng, phải có quy hoạch và kế hoạch bồi dưỡng lâu dài. Mỗi chức danh cán bộ lãnh đạo hay quản lý phải có hai đến ba cán bộ dự bị cho chức danh đó. Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa phải là việc làm thường xuyên, lâu dài, chủ động có kế hoạch chứ không ngẫu hứng chờ đến Đại hội mới “đốt đuốc” đi tìm người".

Cái hay ở đồng chí Nguyễn Văn Linh, theo ông Tô Bửu Giám đó chính là đặt niềm tin vào cán bộ trẻ. Đây là lực lượng năng nổ, táo bạo, nhạy bén với cái mới. Khi làm việc có thể khiếm khuyết, thì phải bổ sung, giúp khắc phục chứ không nên chê bai rồi không dùng.

Cùng chia sẻ đó, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước kể rằng: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng dạy bà về thuật dùng cán bộ trẻ, trong đó phải tin tưởng, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực. Cán bộ trẻ luôn có sự nhiệt tình, sôi nổi, nhưng còn thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm, độ “hồng” chưa đậm… nên khi giao việc phải theo sâu, theo sát để kiểm tra, uốn nắn kịp thời, thậm chí cầm tay chỉ việc. Không đợi đến khi các bạn trẻ làm sai, sụp đổ lại bảo là do non trẻ rồi không sử dụng, như vậy làm hỏng mất cán bộ".


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Cảng Hải Phòng nhân dịp Tết Đinh Mão (1987)  (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Trong suốt cuộc đời cách mạng, cả trong kháng chiến lẫn trong xây dựng đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn chú trọng đến thực tiễn, lý luận xuất phát từ thực tiễn. Trong bức thư tay gửi Hội nghị Trung ương lần thứ 4 – khóa VIII, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề xuất “nên luân chuyển cán bộ, rút cán bộ từ địa phương về Trung ương, đưa cán bộ từ Trung ương về địa phương công tác, đổi vùng hoạt động cho cán bộ”.

Theo chia sẻ của ông Tô Bửu Giám, đồng chí Nguyễn Văn Linh muốn cán bộ sẽ có kiến thức toàn diện hơn, năng nổ và sáng tạo hơn trong hoạt động thực tiễn. Đây là biện pháp quan trọng để cán bộ tránh lối mòn cũ trong công tác, tránh gia trưởng, cục bộ địa phương.

Từ thực tế bản thân mình, bà Trương Mỹ Hoa cho biết, việc luân chuyển cán bộ khi đó cũng để lại nhiều “tâm tư” cho anh em, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thấu hiểu điều đó và chia sẻ với mọi người và động viên bằng những điều khá giản dị.

Nhớ lại thời mới được điều chuyển ra Trung ương làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Trương Mỹ Hoa kể: "Khi đó 2 con còn nhỏ, phải từ TP.HCM ra Hà Nội nên tôi rất băn khoăn. Một buổi chiều, chú Mười gọi ghé qua Văn phòng Trung ương Đảng nói chuyện, chú bảo “Đất nước mình dài rộng lắm. Cán bộ phải đi nhiều nơi mới thấu hiểu được người dân. Đảng ta lấy dân làm gốc, dựa vào dân, nếu cái gốc mình không nắm, không hiểu được thì dựa làm sao?”. Chính điều này đã giúp tôi thấy thoải mái vì được đả thông tư tưởng”.

Trong suốt quá trình phục vụ cách mạng, dù ở cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng quan tâm, chăm lo đến đội ngũ cán bộ, từ việc xác định những tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; đồng thời, đưa ra biện pháp khắc phục những biểu hiện tiêu cực của đội ngũ cán bộ trước bước ngoặt của cách mạng. Với sự lãnh đạo của đồng chí, đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước không ngừng được nâng lên về chất lượng, góp phần to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Quan tâm đội ngũ làm khoa học - kỹ thuật

Sau ngày giải phóng, cùng với đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, TP.HCM tiếp quản những cơ sở khoa học – kỹ thuật khá tốt từ các viện nghiên cứu trung tâm của nhiều ngành khoa học đến từ các viện trạm, trại khoa học của từng ngành. Đây chính là nền tảng quan trọng để thành phố định hướng khoa học kỹ thuật phải góp phần tổ chức lại sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nhanh hàng xuất khẩu có giá trị…

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy TP.HCM (Ảnh: Văn Khánh/TTXVN)

Là người “trong cuộc” khi TP.HCM mới giải phóng và đi vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM là người hiểu rõ những khó khăn đó.

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn chia sẻ: "Tuy ngay từ đầu, anh chị em trí thức tại chỗ đã quyết tâm chọn lựa chỗ đứng trên đất nước thân thương của mình, nhưng hòa nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng thật dễ dàng. Cũng có những suy tư, băn khoăn, cũng có những bỏ cuộc nửa chừng, nhưng tuyệt đại đa số anh em vẫn giữ được tấm lòng sắt son, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng thành phố mang tên Bác kính yêu".

Trong cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm” của mình (xuất bản lần đầu năm 1985, tái bản năm 2015), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: “Điều đáng quý là trong số các nhà khoa học – kỹ thuật tiếp tục phục vụ đất nước sau ngày 30-4-1975, có những tài năng quan trọng thuộc một loạt ngành y dược, kiến trúc, nông nghiệp, hóa học, hải dương học, địa chất, kinh tế…”.

Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn lại nhớ mãi đến tấm chân tình mà đồng chí dành cho đội ngũ trí thức lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh khó khăn, Thành ủy và đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tìm cách xoay sở để chăm lo vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ trí thức.

“Phụ cấp lương thêm cho anh chị em trí thức tại chỗ, xăng cho giáo sư, phó giáo sư, những kilô gạo ân tình, những miếng thịt, cân cá tươi,… được gửi đến anh chị em, khiến chúng tôi thật sự xúc động vì trên mảnh đất thân thương này, những người con dân Việt Nam, dù ở địa vị, hoàn cảnh nào vẫn gắn bó với nhau nhằm mục tiêu đưa đất nước đi lên. Truyền thống chăm lo cho đội ngũ trí thức thành phố của Thành ủy TP.HCM được tiếp nối đa dạng và phong phú từ thời đồng chí Nguyễn Văn Linh…”, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn nhớ lại.

Dù vậy, điều ấn tượng nhất đối với đội ngũ trí thức là việc đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có cái nhìn sâu sắc, hợp lý trong chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết, từng gặp và trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Linh về những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực và khả năng tụt hậu của nền giáo dục đại học, được đồng chí chia sẻ và trân trọng ý nguyện của Giáo sư về xây dựng đại học Việt Nam ngang tầm khu vực.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Linh lưu ý, các nhà khoa học tiếp tục có những nghiên cứu ưu tiên hỗ trợ thành phố giải quyết những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn: "Từ định hướng này, những chủ đề nghiên cứu trong nhóm chúng tôi sau này vừa có tính khoa học đáp ứng yêu cầu của một luận án, luận văn, vừa luôn luôn hướng về phục vụ sản xuất hay tối thiểu cũng định hướng về sản xuất và đời sống".

Nhờ đó, ngày nay TP.HCM có nền công nghiệp lớn nhất cả nước, phát triển theo hướng các lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng khoa học công nghệ cao, vừa nghiên cứu cơ bản vừa mang tính ứng dụng cao như công nghệ gen, tế bào gốc, cơ khí chính xác, vi mạch và tin học, hóa chất, vật liệu mới composit, nano…; đồng thời, hình thành nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm quốc gia trọng điểm như: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Tính toán, Công viên phần mềm Quang Trung… cùng hệ thống các phòng kiểm nghiệm hiện đại ngang tầm khu vực, với nhiệm vụ bảo đảm chất lượng hàng hóa, thuốc men xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước, chất lượng môi trường sống…

Hòa hợp dân tộc để phát triển

Không chỉ chăm lo đội ngũ cán bộ phục vụ cho công cuộc đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Cuối năm 1977, trên cương vị Trưởng ban Dân vận – Mặt trận Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển tư duy lý luận của Đảng, nhất là vấn đề hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng phát biểu “Bà con công giáo là con Lạc cháu Hồng, là công dân Việt Nam…”. Đối với vấn đề người Hoa, đồng chí luôn luôn đứng vững trên quan điểm giai cấp để nhìn nhận và giải quyết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, sau khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, trong tư tưởng của người Hoa, kể cả cán bộ, đảng viên không tránh khỏi có biểu hiện lo âu, mặc cảm.

Để ổn định tư tưởng và đời sống của cộng đồng người Hoa, Ban Bí thư đã Chỉ thị số 10 ngày 17-11-1982, nêu rõ nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối với người Hoa, từ đó đoàn kết người Hoa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam để hăng hái xây dựng đất nước; trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất am hiểu và tôn trọng nếp sống của người Hoa, vốn sinh sống khá đông tại TP.HCM. Khi những cán bộ, đảng viên gốc Hoa gặp khó khăn, bị khủng hoảng về tinh thần, đồng chí đã đến thăm, an ủi, động viên tận nhà với một thái độ ứng xử ân tình, chung thủy hiếm có.

Chia sẻ về vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa kể lại: "Thời tôi còn làm Bí thư Quận ủy Tân Bình, nơi có nhiều tệ nạn xã hội cũng như nhiều gia đình có người theo chế độ cũ, tư tưởng phức tạp, chú Mười với cương vị là Bí thư Thành ủy, có dặn chúng tôi “Trong chiến tranh, qua nòng súng còn có tình người Việt Nam” để chúng tôi biết phải xử sự thế nào nhằm hòa hợp dân tộc thực chất, thực tình".

Theo bà Phạm Phương Thảo, những bài học từ thời đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn khiến các thế hệ lãnh đạo thành phố hết sức tâm đắc, đó là phải sâu sát với thực tiễn, bởi thực tiễn đã chỉ ra những cách làm đúng. Từ cái mới, cái sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn phải được nhận thức, phân tích, khái quát thành quan điểm, chủ trương, chuyển thành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng chí, đồng bào TP.HCM mãi nhớ về ông – chân dung của một nhà lãnh đạo của thời đại Hồ Chí Minh, một Tổng Bí thư của Đảng, một Bí thư Thành ủy đầy bản lĩnh, kiên cường và sáng tạo, một con người mang tên Nguyễn Văn Linh./.

Theo Anh Tuấn - Tiến Lực/TTXVN

Chia sẻ bài viết