Tiếng Việt | English

19/07/2023 - 09:37

Trên những công trình trọng điểm

Cùng với tích cực thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết (NQ) thì các công trình trọng điểm (CTTĐ) được các địa phương xem là nhiệm vụ quan trọng. Qua nửa nhiệm kỳ, các công trình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.

Người dân phấn khởi

Theo chân cán bộ xã An Thạnh, chúng tôi đến CTTĐ của huyện Bến Lức: Đầu tư xây mới cầu Rạch Tre và cầu Gò Dung trên đường An Thạnh - Tân Bửu. Được triển khai từ rất sớm nên công trình cầu Rạch Tre đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 19/4/2023. Riêng cầu Gò Dung hiện thi công xong cầu và hệ thống chiếu sáng, nghiệm thu hoàn thành giai đoạn xây lắp, dự kiến đưa vào sử dụng trong quí III-2023.

Từ 2 cây cầu nhỏ, hẹp, xuống cấp, phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn, đến nay, cầu Rạch Tre và cầu Gò Dung được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông, kết nối phát triển KT-XH giữa huyện Bến Lức và huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trong đó, cầu Rạch Tre được xây dựng với chiều rộng mặt cầu 9m, chiều dài 44m, tải trọng trục xe 10 tấn, tổng nguồn vốn trên 14,6 tỉ đồng. Cầu Gò Dung được xây dựng với chiều dài trên 62,7m, rộng 9m, tổng kinh phí trên 19,4 tỉ đồng.

Cầu Gò Dung được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Bến Lức

Rời công trình cầu Rạch Tre và cầu Gò Dung, chúng tôi có mặt tại CTTĐ Đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Trung Trực theo hướng chất lượng cao (xã Thanh Phú). Đội ngũ kỹ sư, công nhân đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại. Công trình dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 01/8/2023 nhằm bảo đảm kịp khai giảng năm học 2023-2024.

Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình này nhưng bà Nguyễn Thị Điệp (ấp Tấn Long, xã Thanh Phú) rất phấn khởi khi địa phương được quan tâm đầu tư xây dựng ngôi trường khang trang. Bà Điệp chia sẻ: “Có ngôi trường này, học sinh được học tập các lớp chất lượng cao gần nhà nên tôi rất vui. Vì vậy, khi Nhà nước vận động giải phóng mặt bằng, gia đình tôi đồng thuận cao”.

Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại của công trình Đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Trung Trực

Ngoài ra, huyện còn có CTTĐ Đầu tư đường D1 gắn với chỉnh trang, mở rộng khu hành chính huyện Bến Lức. Công trình gồm các hạng mục: Thi công đường, san lấp ao, hệ thống thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu. Đến nay, tiến độ đạt 74% tổng khối lượng công trình. Hiện công trình tạm dừng thi công do còn vướng mặt bằng 2 trường hợp. Dự kiến thời gian thi công trở lại vào tháng 9/2023 và hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 01/2024.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bến Lức - Dương Văn Út, NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 CTTĐ và được tập trung triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. UBND huyện đã bố trí vốn, các ngành chuyên môn tập trung hoàn tất các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, huyện xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm và được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên theo dõi sâu sát địa bàn phụ trách, kịp thời chỉ đạo, giải quyết vướng mắc tại cơ sở nên các công trình cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Một số trường hợp khó khăn, vướng mắc được UBND huyện, các ngành chuyên môn tiếp tục tập trung tháo gỡ.

Diện mạo quê hương khởi sắc

Cũng như các địa phương khác, thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các CTTĐ. NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 CTTĐ chủ yếu về phát triển hệ thống giao thông. Dấu ấn nổi bật trong thực hiện CTTĐ của huyện là hoàn thành và đưa vào sử dụng kè kênh 28 (đoạn từ Nghĩa trang Liệt sĩ đến ngã ba Long Khốt). Công trình có tổng mức đầu tư trên 7,9 tỉ đồng, được hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho người dân đến vui chơi, tập luyện thể dục nâng cao sức khỏe mà còn làm cho diện mạo quê hương thêm khởi sắc.

Được tập trung triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ, công trình Hoàn thiện kết nối hệ thống giao thông nông thôn liên xã, liên ấp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, huyện có 3/6 công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và 14/19 công trình do huyện làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các công trình không chỉ làm cho diện mạo từ các xã biên giới đến các xã nội địa phát triển mạnh mẽ mà còn bảo đảm kết nối giao thông giữa các trục đường tỉnh, huyện, xã và liên xã, thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với an ninh - quốc phòng.

Công trình trọng điểm Kè kênh 28 góp phần làm cho diện mạo huyện Vĩnh Hưng thêm khởi sắc

Huyện còn quan tâm thực hiện công trình Mở rộng đê bao thị trấn Vĩnh Hưng (đường Huỳnh Việt Thanh nối dài). Tuyến đường sẽ được xây dựng mới với chiều dài trên 2,2km, tổng mức đầu tư trên 32,4 tỉ đồng. Đến nay, huyện đã tổ chức họp dân thông qua hệ số giá đất thu hồi và đơn giá bồi thường cho các hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường thông tin: “UBND  huyện quán triệt NQ của Huyện ủy về việc xây dựng các CTTĐ đến từng cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo huyện và các ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan trực tiếp thực hiện đầu tư, kiểm tra thực tế tại hiện trường. Qua đó, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nên các công trình cơ bản đạt theo kế hoạch đề ra”.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Đức Hòa đề ra 3 CTTĐ: Trục đô thị Đức Hòa - Hậu Nghĩa (Đường tỉnh 823D - Trục mở mới Tây Bắc kết nối tỉnh Long An và TP.HCM), đường cặp kênh Cầu Duyên (đoạn từ đường 3/2 đến đường Nguyễn Thị Hạnh), đường Ba Sa - Gò Mối (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến vòng xoay Gò Mối). Với sự đồng tình ủng hộ của người dân và sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, công trình đường cặp kênh Cầu Duyên (đoạn từ đường 3/2 đến đường Nguyễn Thị Hạnh) hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra. Công trình góp phần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV của thị trấn Hậu Nghĩa và nâng huyện Đức Hòa lên đô thị loại III.

Công trình đường cặp kênh Cầu Duyên hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV của thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa (Ảnh: Mai Nhã)

Ngoài ra, huyện còn có công trình Đường Ba Sa - Gò Mối (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến vòng xoay Gò Mối) được đầu tư xây dựng với chiều dài toàn tuyến trên 5km, vốn đầu tư trên 93 tỉ đồng. Hiện công trình đạt trên 65% khối lượng. Riêng công trình Trục đô thị Đức Hòa - Hậu Nghĩa (Đường tỉnh 823D - Trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An và TP.HCM) có tổng mức đầu tư trên 3.200 tỉ đồng. Công trình có chiều dài trên 14km với diện tích giải tỏa trên 105ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 1.287 hộ và 5 tổ chức. Công trình đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.

Huyện Đức Hòa tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm theo kế hoạch đề ra (Ảnh: Mai Nhã)

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trương Minh Hoàng cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường kiểm tra, rà soát, khắc phục hạn chế, đôn đốc các đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm các CTTĐ hoàn thành theo lộ trình đề ra”.

Trên nhiều CTTĐ được hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang đẩy nhanh tiến độ thi công cho thấy sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện. Các công trình không chỉ góp phần thay đổi diện mạo quê hương mà còn thúc đẩy phát triển KT-XH tại các địa phương./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết