Tiếng Việt | English

07/12/2015 - 11:28

Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Học tập cộng đồng: Cần phát huy hiệu quả

Số lượng nhiều nhưng chất lượng hoạt động chưa tương xứng là thực trạng của các Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn tỉnh Long An hiện nay. Đa số các trung tâm đều chưa phát huy hết công năng từ khi đưa vào sử dụng.

TTVH-TT& HTCĐ phường 4, TP.Tân An thường xuyên “cửa đóng then cài”

Khó từ thành thị đến nông thôn

Năm 2011, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Học tập cộng đồng (TTVH-TT& HTCĐ) phường 4, TP.Tân An bắt đầu hoạt động. Trung tâm được xây dựng khang trang với diện tích hơn 2.300m2, có hội trường rộng 500m2 và 2 phòng chức năng, được trang bị 250 ghế ngồi, 5 bàn họp, 1 dàn âm thanh, 3 tủ hồ sơ , 1 dàn vi tính, có hệ thống Internet và điện thoại bàn. Dù được đầu tư từ “vỏ” đến “ruột” nhưng theo Phó Chủ tịch UBND phường 4 – Mai Ngọc Cầm, trung tâm hoạt động chưa hiệu quả.

Theo báo cáo hoạt động TTVH-TT&HTCĐ năm 2015 của UBND phường 4, nơi đây đã diễn ra văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi, giao lưu văn nghệ kỷ niệm các ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10... Ngoài ra, các đoàn thể chính trị- xã hội ở địa phương tổ chức 2 giải bóng đá, 1 giải cầu lông mừng Đảng- mừng Xuân Ất Mùi. Còn lại đa số là các lớp học tập cộng đồng như dạy kỹ thuật trồng rau sạch, chăm sóc hoa lan, nấu ăn,...

Tuy nhiên, TTVH-TT&HTCĐ phường 4 chưa hoạt động thường xuyên, then cài, cửa đóng và bên trong hội trường, bàn ghế phủ bụi. Chị N.T.T, nhà ở đường Trần Văn Chính, phường 4 cho biết: “Mỗi ngày đưa đón con đi học ngang qua trung tâm, tôi thấy đóng cửa không hoạt động. Một trung tâm xây dựng “hoành tráng” như vậy mà thường xuyên đóng cửa im ỉm thật là lãng phí!”.

Nguyên nhân trung tâm chưa phát huy hết công năng, theo ông Mai Ngọc Cầm: “Vì nằm gần trung tâm TP.Tân An có nhiều điểm vui chơi, giải trí nên người dân chưa mặn mà với TTVH-TT& HTCĐ của phường”.
Không chỉ ở thành thị TTVH-TT& HTCĐ khu vực nông thôn cũng chưa phát huy hiệu quả trong khi điểm vui chơi, giải trí không nhiều. TTVH-TT& HTCĐ xã Long Hiệp, huyện Bến Lức được đầu tư kinh phí xây dựng gần 4 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hiệp-Trần Văn Sơn thông tin: “Ở trung tâm thường diễn ra các cuộc hội họp, các lớp chuyển giao khoa học- kỹ thuật và dạy nghề nông thôn. Còn văn nghệ, thể dục thể thao chỉ diễn ra vào các ngày lễ, tết”.

Dù phục vụ tốt cho hệ thống chính trị và người dân khi có một điểm sinh hoạt khang trang hơn trước nhưng hoạt động như vậy vẫn chưa hết công năng, chưa tương xứng với số tiền gần 4 tỉ đồng đã đầu tư để xây dựng. Trung tâm còn nhiều khó khăn trong hoạt động vì điều kiện kinh phí eo hẹp. Mỗi năm, trung tâm hoạt động xã hội hóa chỉ gần 20 triệu đồng. Số tiền xã hội hóa thấp một phần vì trung tâm nằm chung khuôn viên UBND xã nên ít có tổ chức, đơn vị hay cá nhân thuê tổ chức các sự kiện.

Ngoài ra, cán bộ quản lý trung tâm lại chưa qua đào tạo chuyên môn, hạn chế về kỹ năng tổ chức phong trào nên chưa thu hút người dân tham gia.

Nơi hoạt động hiệu quả - đếm trên đầu ngón tay

Điểm qua con số hoạt động tương đối hiệu quả của TTVH-TT&HTCĐ xã, phường, thị trấn hầu như rất ít. Đó là những nơi như xã Phước Lợi, huyện Bến Lức; xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng; xã Long Trạch, huyện Cần Đước,...

TTVH-TT& HTCĐ xã Long Trạch, huyện Cần Đước là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động của nhân dân trong xã

Đi vào hoạt động từ năm 2012, TTVH-TT&HTCĐ xã Long Trạch được phân bổ kinh phí hoạt động 30 triệu đồng/năm; cùng với số tiền xã hội hóa từ việc cho thuê tổ chức các sự kiện, trung tâm có thêm nguồn để hoạt động. Từ khi trung tâm đi vào hoạt động, mọi sinh hoạt, hội họp đều diễn ra ở đây.

Vào các ngày 26-3, 20-10, 30-4..., trung tâm đều có hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng. Ngoài ra, vào một số ngày trong tuần, câu lạc bộ võ thuật đến đây tập luyện. Trung tâm có một sân bóng chuyền, vào mỗi buổi chiều, các thanh niên trong xã thường đến chơi thể thao.

Ông Bùi Văn Xã, ngụ ấp Cầu Xây, xã Long Trạch vui vẻ nói: “Từ ngày có trung tâm, người dân rất hài lòng vì có nơi sinh hoạt rộng rãi, không còn phải đến đình hay mượn nhà dân như trước. Thỉnh thoảng, trung tâm cũng có hoạt động văn nghệ cho người dân đến xem”.

TTVH-TT&HTCĐ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức cũng là một trong những nơi hoạt động hiệu quả. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, đến nay, trung tâm có sân bóng đá đạt chuẩn cấp huyện, hội trường lớn với sức chứa trên 200 người, sân khấu ngoài trời trên 700 người cùng trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại,...

Trung tâm đã thu hút nhiều người dân đến sinh hoạt như câu lạc bộ ca cổ - cải lương, võ thuật, bóng đá, dưỡng sinh,… Cán bộ quản lý trung tâm – Đặng Hoàng Dũng - mỗi ngày đều có mặt ở trung tâm để mở cửa cho người dân đến sinh hoạt. Chính sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, người quản lý có kỹ năng ca hát, nhiệt tình với phong trào và mặn mà với trung tâm cùng sức mạnh kinh phí từ việc xã hội hóa đã thúc đẩy TTVH-TT&HTCĐ xã Phước Lợi hoạt động hiệu quả.

Qua đây cho thấy, kinh phí đầu tư cho thiết chế văn hóa này khá lớn trong khi chất lượng, hiệu quả hoạt động vẫn còn thấp./.Trong giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh đã bố trí vốn xây dựng cơ bản từ các nguồn để hỗ trợ, đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp cho 102/192 TTVH-TT&HTCĐ cấp xã với tổng số vốn đầu tư gần 223 tỉ đồng, trong đó có 96/192 xã, phường, thị trấn được Nhà nước đầu tư xây dựng mới. Hầu hết các trung tâm xây dựng mới đều được ngân sách tỉnh cấp trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ thể thao. Đối với một số trung tâm chưa được cấp các thiết bị chuyên dùng, thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp trang thiết bị cho trung tâm, mỗi nơi trị giá 40 triệu đồng, có nơi 100 triệu đồng. Riêng những trung tâm thuộc các xã đạt chuẩn văn hóa được tặng thưởng thêm 50 triệu đồng.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Phạm Văn Trấn, để TTVH-TT&HTCĐ hoạt động hiệu quả, những người quản lý trung tâm phải thật sự là “linh hồn” tạo dựng phong trào. Ngoài ra, phải xây dựng mô hình, phong trào, cách làm hay để thu hút người dân tham gia và tăng cường xã hội hóa tạo nguồn kinh phí hoạt động.

 Thùy Hương-Phạm Ngân
 

Chia sẻ bài viết