Tiếng Việt | English

04/10/2024 - 11:19

Truyền thông chính sách - 'cầu nối' tạo sự đồng thuận

Truyền thông chính sách (TTCS) là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Để người dân hiểu được những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, công tác TTCS cần được coi trọng và đặt đúng tầm nhiệm vụ.

Công tác tuyên truyền pháp luật và truyền thông chính sách được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện

Đa dạng kênh thông tin

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức TTCS có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (gọi tắt là QĐ số 407). Thực hiện QĐ số 407, các cấp, các ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị tỉnh Long An thực hiện hoặc lồng ghép triển khai công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội gắn với kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm.

Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tiễn, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tích cực phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức truyền thông dự thảo chính sách phù hợp. Cách thức thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở; tổ chức truyền thông qua các ứng dụng mạng xã hội; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức có liên quan; thông qua tiếp xúc cử tri;...

Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Long An còn tổ chức TTCS qua tổ chức hội thảo, hội nghị, các buổi tọa đàm về pháp luật do sở, ngành tham mưu tổ chức. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách được các cơ quan thực hiện nghiêm túc. Các vấn đề tiếp thu, không tiếp thu đều có báo cáo giải trình, nêu rõ lý do và gửi lại cơ quan có ý kiến góp ý để thống nhất trước khi gửi cơ quan tư pháp thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung cho biết: "Để các chính sách sớm đi vào thực tế cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh quan tâm tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, triển khai văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ, đảng viên, hội viên. Trong đó, chú trọng đến đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức tư pháp, hòa giải viên và lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể".

Đặc biệt, TTCS qua báo chí được tăng cường. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng, hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Long An tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện TTCS, nhất là những vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau.

“Tôi thường đọc báo, nghe đài phát thanh về các chủ trương, chính sách. Khi đến trụ sở UBND xã thì thấy các dự thảo chính sách được dán công khai để người dân xem, góp ý. Thông qua nhiều kênh khác nhau nên các chính sách, dự thảo được thông tin, phổ biến nhanh nhạy, kịp thời đến người dân” - ông Nguyễn Văn Bảy (cán bộ hưu trí tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) chia sẻ.

Phát huy dân chủ

Từ khi thực hiện QĐ số 407 đến nay, tỉnh tổ chức truyền thông nhiều dự án luật. Trong đó có Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Nhà ở, Luật Viễn thông, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giao dịch điện tử,... Thông tin từ Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, năm 2024, dự kiến các cơ quan, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 38 nghị quyết. Trước đó, trong năm 2022, 2023, UBND tỉnh ban hành 130 QĐ và trình HĐND tỉnh thông qua 60 nghị quyết. Trong số này, có nhiều dự thảo được TTCS theo tinh thần QĐ số 407.

Nổi bật là Nghị quyết số 17, ngày 27/10/2022 của HĐND tỉnh về quy định chính sách thu hút nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 06, ngày 30/5/2023 của HĐND tỉnh quy định mức thu lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có QĐ số 09, ngày 10/2/2023 của UBND tỉnh triển khai, thực hiện Nghị quyết số 22, ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh,...

Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, hoạt động TTCS thời gian qua tại tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người dân; tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tỉnh xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật, TTCS đóng vai trò quan trọng trong công tác điều hành, quản lý nhà nước. Qua TTCS đã phát huy dân chủ, quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức thượng tôn pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH
và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách, ngoài trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác này, đặc biệt là cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật như luật sư, luật gia, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp luật. Cùng với đó, phát huy vai trò của thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Đơn vị cung cấp Mobifone: Khơi Dậy Đam Mê uy tín thiết kế web