Từ chiến khu bưng biền năm xưa
ĐTM nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng với khí hậu khắc nghiệt, đất đai chua phèn. Người ĐTM hào sảng, hiếu khách, cần cù lao động, trong chiến tranh, sẵn sàng đùm bọc, che chở cách mạng. Vì vậy, bên bờ kênh Dương Văn Dương, một trung tâm đầu não của lực lượng kháng chiến Nam bộ được thành lập. Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (đóng tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày nay) chính là “thủ đô” của cuộc kháng chiến Nam bộ.
Ngày 27/8/1945, hàng ngàn người dân ĐTM nô nức tập trung tại sân banh Bắc Chan míttinh mừng Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng chưa tròn 1 tháng, ngày 23/9/1945, Pháp tái chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn rồi đánh chiếm lan rộng khắp miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 3/1946, đồng chí Trần Văn Trà đưa một bộ phận quân lực về ĐTM để củng cố Đảng, các lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy, khởi đầu xây tại đây một căn cứ kháng chiến.
Khu di tích căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ được xây dựng tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Tháng 9/1946, Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Sở Công an Nam bộ, Sở Thông tin Nam bộ, Sở Y tế Nam bộ, Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ, Khu bộ Khu 8 đều đóng dọc kênh Dương Văn Dương, thuộc xã Nhơn Hòa Lập. ĐTM trở thành “thủ đô” kháng chiến, “Việt Bắc” của miền Nam. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt, Trần Văn Trà, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ,… từng sống và làm việc tại đây. Nơi đây diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Đại hội đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, Đài Phát thanh Nam bộ phát buổi đầu tiên, tờ giấy bạc Cụ Hồ được in để phục vụ kháng chiến, bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng ra đời,…
Nhiều chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307 gắn liền với vùng đất này. Tiêu biểu như trận Mộc Hóa diễn ra từ đêm 16 rạng 17/8/1948 do Tiểu đoàn 307, Khu 8 phối hợp dân, quân Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường) tiến đánh, tiêu diệt tại đồn 25 tên, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên, trong đó có tên Đồn trưởng Trung úy Louis Bertrand. Đồng thời, ta chặn đánh làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn lính Pháp khi chúng từ hướng Campuchia kéo sang để chi viện cho đồn Mộc Hóa. Cũng trong lúc quân, dân ta đang chiến đấu tại Mộc Hóa, một tổ điện ảnh Khu 8 đã theo sát đơn vị quay được nhiều hình ảnh sinh động của trận đánh và dựng thành bộ phim tư liệu Trận Mộc Hóa.
Đặc biệt, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, đã từng sống, làm việc nơi đây, tại nhà ông Nguyễn Văn Siêu và nhà má Tám, để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Các cơ quan và Khu 8 được nhân dân nhường nhà cho ở, nhường nền nhà để cất cơ quan. Nhân dân đã cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục bộ lư, mâm, thau, nồi đồng ủng hộ cho binh công sản xuất vũ khí.
Trở thành vựa lúa lớn
Trước đây, ĐTM được mệnh danh là “vùng đất chết”. Thế nhưng, từ bàn tay, khối óc của con người tập trung khai phá và đầu tư cải tạo đất đai, thủy lợi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giờ đây, “vùng đất chết” ngày nào trở thành vùng sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhạt, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, nhớ lại: “Hồi xưa, ở đây hoang sơ lắm, dân sống rải rác ven bìa rừng. Suốt 6 tháng nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông, nhiều nơi ngập sâu tới 2-3m. Còn mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không có mà uống”.
Giờ đây, Đồng Tháp Mười là vựa lúa lớn của tỉnh
Còn về sản xuất, ông Nhạt kể rằng, mấy vụ đầu khi cây lúa vừa mọc quá gang tay thì gặp mưa, đất dậy phèn, chết sạch, phải lấy lúa dự trữ gieo sạ lại. Có năm, lúa trong nhà không còn một hạt mà cây lúa ngoài đồng vẫn không mọc nổi. Lắm khi lúa chín chưa kịp mừng thì chuột cắn nát, nhìn đám ruộng tan hoang, ai nấy chỉ biết ôm mặt khóc ròng. Đất phèn, thiếu nước ngọt, lũ lụt và dịch hại hàng năm khiến rất nhiều hộ đi khai hoang, mở đất đành phải buông tay, bỏ đất, bỏ ruộng, trở về trong đói khổ, dù họ rất nỗ lực.
ĐTM thực sự “trở mình” thức giấc và trở thành vựa lúa lớn sau khi Đảng, Nhà nước có chương trình khai phá vùng ĐTM từ năm 1985-1995. Từ năm 1996 trở đi, cùng với sự tiếp tục đầu tư phát triển, nhất là khoa học - kỹ thuật, ĐTM như được tiếp thêm sức mạnh, phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, toàn vùng không còn đất hoang hóa, năng suất cây trồng ngày càng tăng. Những năm gần đây, trung bình vụ Đông Xuân đạt 7-8 tấn/ha, Hè Thu 5-6 tấn/ha, trở thành vựa lúa lớn của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhạt phấn khởi tâm sự, hiện nay, gia đình ông canh tác hơn 40ha lúa sản xuất 2 vụ. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, ông có lãi khoảng 2 tỉ đồng. Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, những dòng kênh xanh rửa phèn, làm cho năng suất tăng lên gấp 3-5 lần, mang đến cho nông dân những mùa vàng bội thu. Ngày trước, chưa có kênh, năng suất cao nhất khoảng 2 tấn/ha, chỉ làm được 1 vụ, thì nay năng suất 7-8 tấn/ha/vụ là bình thường và hàng năm, có nhiều diện tích sản xuất lúa 3 vụ, góp phần tăng năng suất và sản lượng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nếu như năm 1980, sản lượng lương thực của tỉnh khoảng 500.000-600.000 tấn/năm thì đến nay, con số này đạt khoảng 2,7-2,8 triệu tấn/năm. Trong đó, khu vực ĐTM chiếm 80%, trở thành vựa lúa lớn của tỉnh. Đây là kết quả của sự đầu tư đồng bộ từ kết cấu hạ tầng sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng các chủng loại lúa chất lượng và phẩm cấp cao, ứng dụng rộng cơ giới, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,...
Hiện nay, ngành Nông nghiệp phối hợp chính quyền các địa phương tích cực vận động người dân đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng thật sự đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tạo ra chuỗi giá trị gia tăng gắn với phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống người dân,...
Thời “cơm không đủ no, áo không đủ ấm” đã qua, kỳ tích khai hoang, phục hóa, làm lúa tăng vụ trên vùng “đất chết” ĐTM ngày nào mang lại thành quả đáng tự hào. Đến bây giờ, nơi đây trở thành vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước là nhờ bàn tay, khối óc của con người cũng như chủ trương khai phá ĐTM của Đảng bộ tỉnh./.
Trung Kiên