Một thời “hoa lửa”
Bà Trần Kim Nga (70 tuổi), ngụ cư xá phường 4, TP.Tân An thoát ly gia đình theo cách mạng lúc 15 tuổi. Từ năm 1960-1970, bà là cán bộ Tiểu ban Thông tấn Báo chí, chuyên đánh máy cho các tờ tin: Kiến Tường thông tấn xã, Tin tức Vàm Cỏ, Tin tức Kiến Bình, Báo Tháp Mười anh dũng,... Đến năm 1971, bà chính thức đảm nhận vai trò phóng viên công khai của Tiểu ban Báo chí Khu 8, chuyên thu thập thông tin, hình ảnh hoạt động trong chiến khu nhằm tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng của người dân. “Thời chiến làm báo cực lắm! Ban ngày, chúng tôi đi thu thập tin tức, đêm về tất bật đánh máy, sắp chữ chì, quét sáp, in (bột nếp),... thành những tờ báo phát cho đồng đội, người dân” - bà Nga nhớ lại.
Bà Trần Kim Nga và ông Trương Quốc Kỳ cùng ôn lại kỷ niệm thời tham gia cách mạng
Không những thu thập, xử lý thông tin mà việc phát hành báo thời chiến cũng vô cùng gian khổ. Bà Nga nói: “Cứ 3 ngày, chúng tôi có 1 chuyến giao liên, phát hành báo cho lực lượng an ninh địa phương. Nhiều đồng đội không ngại đường xa, ngày đêm bơi xuồng vượt lũ, thậm chí phải hy sinh trên đường làm nhiệm vụ”.
Ngoài nhiệm vụ phóng viên, bà Nga còn tham gia xây dựng kiến thiết, sẵn sàng “xuống đường” đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những tuyến đường, bờ kênh: Sậy Giăng, Kinh Mau, Bảy Thước,... hay những trận diệt bót, đánh đồn đều có sự tham gia của bà cùng đồng đội. Bà Nga chia sẻ: “Từ ngày đầu tham gia cách mạng, tôi đã được cán bộ tuyên huấn
giáo dục khí tiết cộng sản. Chúng tôi luôn nằm lòng khẩu hiệu: “Đoàn, công, kỷ, tiết, bảo, học, dân” (đoàn kết, công việc, kỷ luật, khí tiết, bảo mật, học tập, người dân)”.
Kỷ niệm bà Nga nhớ nhất trong suốt thời gian sát cánh cùng đồng đội là những bữa ăn qua loa để kịp phát hành báo, bút bi bằng vỏ đạn, cái nón được đan bằng lá dừa nước mà đồng đội tặng bà. Bà nghẹn ngào khi nhắc về má Tư, chị Thủy, cô Sáu Mai,... và đặc biệt là anh Hai Danh phụ trách bộ phận chữ chì. “Anh Danh dễ thương lắm! Không những siêng năng làm việc mà anh còn quan tâm giúp đỡ đồng đội. Khi nghe tin anh hy sinh, ai cũng bàng hoàng” - bà Nga bùi ngùi.
Xây dựng quê hương
Sau 30/4/1975, những cán bộ Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 quê Long An trước đây cố gắng học tập, rèn luyện và tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, không sợ gian khổ, hy sinh, đội ngũ tuyên huấn bám sát nhiệm vụ, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần giữ gìn truyền thống vẻ vang của Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 - Trung Nam bộ.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan ôn lại những kỷ niệm một thời “hoa lửa”
Ngôi nhà khang trang trên đường Trần Văn Ngà, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An là tổ ấm của bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (68 tuổi) - nguyên Thư ký Văn phòng ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ngày cuối tuần, khi chúng tôi đến nhà, bà và con dâu đang tất bật với việc đóng sổ kịp giao cho khách hàng. Theo bà, trung bình mỗi ngày, gia đình bà hoàn thành 400-500 quyển sổ, được gần 200.000 đồng. Bà Lan còn được biết đến là người tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương,...
Năm 17 tuổi, bà thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Lúc đầu, bà được giao nhiệm vụ phụ trách múa trong Đoàn Văn công Đồng Tháp. Sau đó, được phân công nhiệm vụ đánh máy, giao liên. “Làm giao liên cực nhưng vui! Có thư khẩn, mặc cho trời mưa, lũ tràn bờ, tôi cũng phải bơi xuồng đi giao. Khi nhìn các đồng chí nhận thư mỉm cười, vẫy tay chào, tôi cảm thấy ấm lòng lắm! Thời chiến, anh em trong chiến khu chỉ được tiếp tế nguyên liệu: Gạo, đường, muối, bột ngọt,... nên chúng tôi tự mò cua, bắt ốc, hái rau làm thức ăn hàng ngày. Bây giờ, dù cuộc sống đổi thay nhưng còn sức khỏe thì cố gắng làm việc để phụ lo cho con cháu ăn học”.
Phải sâu sát cơ sở
Bài học lớn nhất trong suốt thời gian làm cán bộ Tuyên huấn Kiến Tường của ông Trương Quốc Kỳ (72 tuổi), ngụ khu phố Bình Quân 2, phường 4, TP.Tân An là phải sâu sát cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. “Thời chiến, 1 tháng cán bộ chỉ 2, 3 ngày về cơ quan để học tập, báo cáo hoặc tiếp thu chủ trương mới, còn phần lớn dành thời gian ở xóm, ấp. Đặc biệt, khi đến cơ sở, cán bộ còn phải đào hầm bí mật chống địch càn quét; cùng du kích và cán bộ xã đột nhập vào vùng địch kìm kẹp để tuyên truyền, vận động và lắng nghe ý kiến người dân” - ông chia sẻ.
Ông Trương Quốc Kỳ chăm sóc kiểng
Cũng theo ông Trương Quốc Kỳ, hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, đưa thế giới vào kỷ nguyên 4.0 với nhiều thuận lợi và cũng đặt ra nhiều thách thức. Do vậy, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo phải xung kích trên nhiều “mặt trận”, giải quyết những vấn đề mới, “nóng”, phát sinh từ thực tiễn. Đặc biệt, thông tin phải chuẩn, kịp thời, sắc bén và mang tính định hướng dư luận, ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo bà Trần Kim Nga, trước những thách thức đang đặt ra và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị, mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo đều phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức và bám sát thực tiễn để làm mới mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ tuyên giáo phải có kiến thức sâu, rộng về mọi mặt đời sống, đồng thời sâu sắc về những vấn đề, lĩnh vực cụ thể; luôn có những cách làm mới, sáng tạo, thiết thực,.../.
Trong 2 ngày 31/7 và 01/8/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 (Trung Nam bộ) tổ chức họp mặt truyền thống cán bộ Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 lần thứ XV. Hơn 400 đại biểu nguyên là cán bộ Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 của 5 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ cùng gặp gỡ, giao lưu, ôn lại lịch sử hào hùng và truyền thống của đội ngũ cán bộ tuyên huấn nói chung và Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 nói riêng. Đồng thời, qua đây khẳng định trọng trách vinh quang của công tác tư tưởng - văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn, góp phần tạo động lực thúc đẩy các hoạt động trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng của Đảng bộ 5 tỉnh trong giai đoạn mới. |
Phong Nhã