Cơ sở kim hoàn của anh Trịnh Hoàng Long góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động là thanh niên địa phương, với thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/người/tháng
Thanh niên vượt khó, làm giàu
Niềm vui lớn nhất của anh Đỗ Quang Mạnh, ngụ ấp 6, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong năm 2017 là được đón Tết Cổ truyền cùng người thân trong ngôi nhà mới khang trang. Ngôi nhà của anh trị giá gần 5 tỉ đồng, nằm giữa cánh đồng chanh bạt ngàn, được thiết kế theo kiểu biệt thự nhà vườn cùng với nhiều vật dụng trang trí sang trọng. Đây chính là thành quả mà anh tích lũy được sau nhiều năm trồng chanh không hạt.
Anh Mạnh cho biết, quê anh ở Hưng Yên, vì nhà nghèo nên anh cùng gia đình đến vùng đất chua, phèn này lập nghiệp. “Những năm 1990, khu vực này còn hoang vu lắm! Đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa thưa thớt. Chúng tôi phải vất vả sớm hôm đào mương, lên liếp trồng mì, khóm nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Tôi rất muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư” - anh Mạnh bộc bạch.
Năm 2010, anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 50 triệu đồng cùng với tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, trồng hơn 1ha chanh không hạt. Nhờ chịu khó sản xuất, cuộc sống gia đình anh sớm được cải thiện. Với 6ha chanh không hạt, anh thu nhập lợi nhuận gần 1 tỉ đồng/năm.
Hiện nay, ngoài việc duy trì diện tích chanh không hạt, anh Mạnh còn trồng thanh long ruột đỏ. “Thị trường chanh những năm gần đây chưa thật sự ổn định, sản xuất thu lãi không nhiều. Trong khi đó, vùng đất này có thể phát triển cây thanh long, nhiều hộ trở nên khá giả từ cây trồng này. Hiện nay, tôi đầu tư hơn 1ha thanh long ruột đỏ, hy vọng sẽ thành công” - anh Mạnh chia sẻ.
Với 6ha chanh không hạt, anh Đỗ Quang Mạnh thu lợi nhuận gần 1 tỉ đồng/năm
Nhắc đến anh Trịnh Hoàng Long, ngụ ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, nhiều thanh niên địa phương nể phục lòng nhiệt huyết, ý chí phấn đấu của anh. Từ thợ bạc với hai bàn tay trắng, giờ anh trở thành ông chủ cơ sở sản xuất kim hoàn với cơ ngơi đồ sộ.
Anh Long cho biết, sản xuất kim hoàn là nghề truyền thống của gia đình. Hiện nay, không ít người phải từ bỏ nghề bởi thu nhập mang lại không cao, trong khi làm rất cực. Riêng anh, vì quá đam mê, yêu thích nên còn gắn bó với nghề.
Năm 2014, thấy nghề truyền thống không thể sánh cùng sản xuất kim hoàn hiện đại, anh mạnh dạn vay tiền Nhà nước đầu tư trang thiết bị. Theo anh Long, trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất hơn 1.000 đôi bông tai bằng bạc. Sản phẩm trang sức sản xuất theo dây chuyền hiện đại có độ đồng đều hơn so với sản xuất thủ công và mẫu mã phong phú, bắt mắt hơn,...
Từ khi ứng dụng kỹ thuật, thiết bị hiện đại của nghề kim hoàn thế giới vào quy trình sản xuất thành phẩm, cuộc sống gia đình anh Long trở nên khá giả, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động là thanh niên địa phương, với nguồn thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng.
Cơ sở kim hoàn của anh Trịnh Hoàng Long góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động là thanh niên địa phương
Cần chắp cánh cho những ước mơ
Hiện nay, phong trào thanh niên khởi nghiệp trở nên lan tỏa sâu rộng khắp nơi. Tuy nhiên, thách thức đối với thanh niên muốn khởi nghiệp còn nhiều, bởi muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Do đó, hơn bao giờ hết, rất cần có những chính sách hỗ trợ nhằm kịp thời nâng đỡ, chắp cánh cho những đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ.
Mặc dù mới 25 tuổi nhưng chị Lê Thị Kim Ngân hiện là Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Tam Kỳ Hoa (phường 4, TP.Tân An). Chị đại diện cho lớp thanh niên thành thị có chiến lược phát triển kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối phân hữu cơ vi sinh EMZ-USA. Ngoài cung cấp phân hữu cơ vi sinh, hiện nay, chị còn liên kết một số nông dân trong tỉnh trồng hơn 10ha rau màu sạch với hình thức hỗ trợ phân bón, khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
“Dự kiến của công ty trong năm 2017 là mở Nhà hàng chay Tam Kỳ Hoa nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được. Khó khăn lớn nhất của công ty là chưa đủ nguồn vốn đầu tư. Trong khi, các nguồn cho vay từ ngân hàng thương mại cho hoạt động khởi nghiệp thường có lãi suất cao. Công ty rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để kịp thời chắp cánh cho những ước mơ khởi nghiệp của tuổi trẻ” - chị Ngân chia sẻ.
Khu vui chơi, giải trí Vườn Xanh, ấp Lũy, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, hiện là một trong những địa điểm khá hấp dẫn ở vùng hạ Cần Giuộc. Hơn 1 năm qua, nơi đây thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm không gian thoáng đãng của vùng sông nước Nam bộ, thưởng thức các món cá đồng, hải sản tươi sống cùng với rau màu được trồng theo công nghệ đạt chuẩn VietGAP,...
“Chúng tôi đang cần nguồn vốn khá lớn để đầu tư bờ kè cũng như triển khai hoàn thiện một số hạng mục còn lại, tạo sự phong phú cho khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi” - anh Nguyễn Ngọc Duy Tân - chủ Khu vui chơi, giải trí Vườn Xanh, cho biết.
Chị Võ Thị Phương Thanh, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ mở trang trại nấm bào ngư, nấm linh chi. Nấm bào ngư có thời điểm đạt 40.000 đồng/kg, giá nấm linh chi hiện tại không dưới 700.000 đồng/kg. Nhờ đó, cuộc sống của chị khá giả và tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Nấm linh chi của chị được trồng theo hướng Organic, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, chị cũng cần nguồn kinh phí để hoàn thiện hệ thống tưới thông minh nhằm giảm công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh, ngày nay, các bạn trẻ có thừa niềm tin, nhiệt huyết và ham học hỏi, thích khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi ý tưởng hình thành, kỹ năng được trang bị thì nguồn vốn chính là điều khiến các bạn phải trăn trở. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, liên kết với các tổ chức, ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho các bạn tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Và không ít thanh niên thành công trong hành trình khởi nghiệp quay lại hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, dìu bước những bạn trẻ có chí hướng. Tuy nhiên, điều mà các bạn trẻ mong muốn là cần sự đồng hành của chính quyền các cấp và các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ khởi nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, thông thoáng,... ./.
Sông Măng