Tiếng Việt | English

08/12/2017 - 00:35

UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước với nhiều mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới

Thực hiện cuộc vận động Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.

Những mô hình sản xuất hiệu quả

Năm 2016, Mặt trận phát động các mô hình: Mỗi khu dân cư một công trình, Cổng ấp văn hóa, Trồng cây nhớ Bác,... Qua đó, người dân tham gia hiến hơn 37.000m2 đất, đóng góp trên 8 tỉ đồng thực hiện 138 công trình, trồng gần 5.000 cây xanh trên các tuyến đường, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường. Năm 2017, Mặt trận tiếp tục duy trì các mô hình trên, đồng thời thực hiện các mô hình mới.

Thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng cao, UBMTTQ Việt Nam huyện vận động xây dựng các tổ hợp tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ liên kết trồng lúa tại xã Phước Đông và Tân Lân, tổ trồng màu ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Khê,... Các tổ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sản xuất, phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn các thành viên chọn giống sản xuất phù hợp, hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, an toàn, chất lượng cao.

Theo khảo sát, huyện Cần Đước hiện còn khoảng 800 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ. Mặt trận xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình nuôi bò giai đoạn 2017-2021. Mỗi năm, mô hình hỗ trợ vốn cho 102 hộ nghèo, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng không tính lãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện trong thời gian 5 năm. Tiền lãi do MTTQ vận động xã hội hóa và sử dụng Quỹ Vì người nghèo để chi trả. Để tham gia mô hình, hộ nghèo phải đăng ký thoát nghèo và có phương án sản xuất cụ thể. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ được hướng dẫn cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, tiêu thụ sản phẩm,... Hiện nay, tất cả hộ nghèo được nhận bò giống.

Chung tay bảo vệ môi trường

Công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt cũng là vấn đề được các cấp, các ngành và MTTQ huyện tập trung thực hiện nhằm góp phần bảo vệ môi trường, trong đó, mô hình Hộ gia đình với môi trường, thu gom, xử lý rác sản xuất, sinh hoạt ở khu dân cư được triển khai thí điểm tại ấp 6, xã Phước Đông. Đây là mô hình được UBMTTQ huyện Cần Đước phát động, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải (rác sinh hoạt, rác trong quá trình sản xuất) ở các vùng nông thôn, không có điều kiện thu gom rác.

Mô hình lò đốt khu dân cư do MTTQ thực hiện

Tham gia mô hình, các hộ tự phân loại rác hữu cơ, đào hố chôn ở sân vườn. Đối với các loại rác thải có thể tái chế, các hộ thu gom để bán hoặc cho lực lượng đoàn viên, thanh niên gây quỹ hoạt động. Đối với các loại rác còn lại: Giày, dép, nhựa cứng, túi nylon bẩn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không tái chế được,... các hộ mang ra hố tập trung để xử lý. Lò đốt rác được xây dựng kiên cố với kinh phí 3,5 triệu đồng, bảo đảm xử lý rác thải cho hơn 10 hộ dân cư ở nông thôn. Từ mô hình điểm ở xã Phước Đông, hiện nay, nhiều xã và trường học xây dựng lò xử lý rác từ nguồn kinh phí xã hội hóa, giúp các hộ gia đình có nơi xử lý rác, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.

Các mô hình do UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước phát động trong năm 2017 thu hút sự tham gia của người dân địa phương vì tính thiết thực, hiệu quả. Để thực hiện các mô hình, MTTQ huyện có kế hoạch, đề án cụ thể, phối hợp các ngành, đoàn thể cùng thực hiện. Các mô hình tác động trực tiếp đến nhận thức, góp phần tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh./.

Kim Khánh 

Chia sẻ bài viết