Tiếng Việt | English

10/12/2018 - 17:58

UBTV Quốc hội xem xét điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Sáng 10/12, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Toàn cảnh phiên khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung các dự án Luật: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Hòa giải, đối thoại ở tòa án; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. 

Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Việc bổ sung dự án luật là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành hai luật này.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành về việc cần sớm sửa đổi, bổ sung và dùng một luật để sửa hai luật để bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng một số chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên không nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung luật. Một số chính sách khác cần được cân nhắc thận trọng để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, cần sửa đổi, bổ sung đồng bộ ba luật về tổ chức (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Trong khi đó, việc thí điểm sáp nhập ba văn phòng (Văn phòng Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Ủy ban Nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội) đang còn có ý kiến băn khoăn như sáp nhập một bên là hành pháp, một bên là lập pháp và giám sát nên hiệu quả chưa cao. Một số địa phương có số lượng cán bộ, nhân viên các văn phòng lớn, nếu sáp nhập sẽ thành “siêu sở.” Việc sáp nhập một số sở, ngành ở địa phương đang thực hiện lác đác, nhưng đã phải dừng lại, chứng tỏ việc này còn chưa ổn định. 

Nhấn mạnh rằng, ba luật này sửa là để thực hiện cho nhiệm kỳ sau, chưa phải áp dụng cho nhiệm kỳ này nên chưa phải là việc cần kíp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chờ tổng kết thấu đáo các vấn đề trước khi xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ cần có định hướng lớn về tổ chức của Quốc hội, Chính phủ như thế nào, tinh gọn đến đâu, sáp nhập cơ quan nào… Sau đó, mới thiết kế đề cương tổng thể, chi tiết. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ về việc một số địa phương sáp nhập các sở trong khi chưa sửa đổi luật, nghị định để nhấn mạnh yêu cầu, việc thí điểm phải được thực hiện theo đúng định hướng và có cơ sở pháp lý để tránh làm rối vấn đề.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trong nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị đã xác định là Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Như vậy, mốc thời gian là các luật này phải được trình trong năm 2018 và thông qua trong năm 2019.

Hòa giải, đối thoại tại tòa án không ngăn quyền khởi kiện

Theo tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Việc xây dựng luật này là cần thiết để phát huy ưu điểm của cơ chế hòa giải các tranh chấp phát sinh trong đời sống với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng;” góp phần hàn gắn mâu thuẫn, rạn nứt, ngăn ngừa tranh chấp trong tương lai; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. 

Việc hòa giải, đối thoại ở tòa án đã được thí điểm tại Hải Phòng. Tổng kết 6 tháng thí điểm cho thấy, mô hình đã có những thành công nhất định, đã nhận 2.573 đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải, đối thoại 2.399 đơn và đã hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt 76,2%. 

Tòa án nhân dân tối cao cũng đã dịch và tham khảo 5 luật về hòa giải của 5 nước gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ; bước đầu tham khảo luật về hòa giải của hơn 60 quốc gia khác.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm đồng tình với đề nghị bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 với hy vọng việc hòa giải, đối thoại ở tòa án thành công sẽ giúp làm giảm khiếu nại, tố cáo. 

Tuy nhiên, cho rằng cán bộ hòa giải ngoài việc phải có kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao còn phải có kỹ năng giao tiếp tốt để bảo đảm tỷ lệ hòa giải thành cao. Do đó, dự án luật cần dự liệu được việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hòa giải. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ hòa giải cũng phải bảo đảm yêu cầu không làm tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đánh giá cao tinh thần của Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại góp phần giải quyết tranh chấp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần đánh giá được thực trạng quan hệ pháp luật hiện hành, chứng minh còn thiếu và khoảng trống cần có pháp luật điều chỉnh để tránh chồng chéo với 5 loại hòa giải đang được thực hiện hiện nay. Mô hình thí điểm cần có thêm thời gian để đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Việc quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại ở tòa phải trên tinh thần tạo điều kiện để người dân lựa chọn giữa khởi kiện và hòa giải, không ngăn quyền khởi kiện của người dân.

Chọn thời điểm để có thêm thời gian chuẩn bị

Về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Cho rằng, PPP cũng là một lĩnh vực của đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ xây dựng dự án luật này nhưng cho rằng cần phải trên tinh thần phù hợp với Luật Đầu tư công. 

Đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu với dự án luật này là Kỳ họp thứ tám và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín để có thêm thời gian chuẩn bị. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm cá nhân, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cần thiết, vì ngân sách nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn hạn chế, các nước đang khuyến khích hình thức đầu tư này. Về lộ trình, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng nhất trí rằng trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2019 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đầu năm 2020 là phù hợp.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên, do Luật Kiểm toán Nhà nước mới được thông qua năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, một số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ sửa luật khi có những vướng mắc thực sự gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện và chỉ nên sửa Luật Kiểm toán Nhà nước khi đã thực sự chín muồi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần nghiên cứu lại kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, chỉ đưa vào dự án luật những vấn đề đã được Hiến định và phân biệt rõ thẩm quyền với từng khối cơ quan. Nếu thấy thực sự cần thiết, đề nghị bổ sung dự án luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp cuối năm 2019 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đầu năm 2020./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết