Tiếng Việt | English

21/12/2021 - 13:00

Ứng dụng công nghệ cao - 'Mắt xích' bảo vệ môi trường

Thay đổi tập quán sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sử dụng phân bón hữu cơ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng,... là “mắt xích” quan trọng trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) và hướng đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững.

Ứng dụng công nghệ cao chính là "mắt xích" để bảo vệ môi trường

Lựa chọn các mô hình hiện đại

Hơn 1 năm qua, Công ty (Cty) TNHH MTV Xuân Huy Thịnh (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) là một trong những địa chỉ uy tín cung cấp cho thị trường các loại rau cải sạch, nhất là ký kết được các hợp đồng tiêu thụ rau, cải trong thời gian dài với các Co.opMart ở TP.HCM. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, nâng tầm nông sản địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà Cty đạt được những kết quả trên, khi mới thành lập, Ban Giám đốc luôn xác định rõ phương thức hoạt động, hướng đến sản xuất sạch.

Anh Lê Chí Tâm (Đại diện Cty TNHH MTV Xuân Huy Thịnh) thông tin: “Để tiếp cận thị trường khó tính, điều đầu tiên Cty nghĩ đến là phải sản xuất sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và BVMT. Theo đó, hơn 1,5ha rau của Cty đều được sản xuất theo phương pháp thủy canh, nhà màng. Rau trồng theo phương pháp thủy canh tỷ lệ thành công đến 98%, hao hụt ít, hạn chế được nguồn chất thải ra môi trường. Chính vì tuân thủ nghiêm các “kỷ luật” trong sản xuất nên toàn bộ khu vực sản xuất của Cty luôn bảo đảm khép kín, sạch sẽ, thoáng mát”.

Điều đáng ghi nhận của Cty không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường mà thông qua mô hình này còn muốn thay đổi quan điểm, cách làm, cách nghĩ của nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Được biết, hiện nay, Cty liên kết với 5 hộ trồng rau ở địa phương trồng theo phương thức thủy canh. Các hộ tham gia sản xuất được hỗ trợ về giống và quy trình canh tác.

Ông Võ Lương Ngọc Sáu (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Trồng rau theo phương thức thủy canh giúp gia đình tôi rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây rau và giảm nhân công chăm sóc nên lợi nhuận cao hơn so với trồng truyền thống. Quan trọng hơn, gia đình tôi đã có cái nhìn khách quan về làm nông nghiệp sạch là hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Huỳnh Kim Toán, vườn rau thủy canh của Cty TNHH MTV Xuân Huy Thịnh đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ an toàn. Không chỉ giúp tiết kiệm nhân công, tối ưu hóa diện tích, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm,... mà còn mở ra triển vọng về thâm canh rau sạch, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Những năm qua, cây mai vàng trên đất Tân Tây, huyện Thạnh Hóa mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Thạnh Hóa tổ chức lễ trao bằng công nhận Làng nghề Trồng mai xã Tân Tây, góp phần tạo điều kiện cho làng nghề phát triển thương hiệu, quy mô, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển du lịch, KT - XH ở địa phương. Theo đó, từ tháng 7 đến 11-2021, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh thực hiện thí điểm mô hình Áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây mai vàng tại Tổ hợp tác Trồng mai vàng Tân Tây, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa.

Tại đây, Tổ hợp tác Trồng mai vàng Tân Tây được lắp đặt hệ thống tưới cho 1ha với tổng chi phí gần 71 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ trên 28 triệu đồng, số còn lại nông dân đối ứng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn cho biết: "Hệ thống tưới nhỏ giọt là kỹ thuật cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi nhờ các cơ chế điều tiết áp lực nước của đầu nhỏ giọt gắn chìm trong ống dẫn hay bên ngoài ống.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, mô hình mang lại kết quả nổi bật như không cần áp suất lớn để cung cấp nước, hạn chế cỏ dại; có thể bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm phân bón, cây hấp thu dinh dưỡng cao hơn; hệ thống tưới nhỏ giọt không gây ô nhiễm môi trường,… Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước hiện là giải pháp hiệu quả chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi, góp phần BVMT”.

Giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt và chăn nuôi đã góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là chung tay cùng chính quyền địa phương BVMT. Và đây cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Xác định được vấn đề này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, chỉ tiêu cụ thể như cây lúa 60.000ha, thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha, 2.000ha rau ƯDCNC, con tôm 100ha và con bò thịt.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm chia sẻ: “Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại bảo vệ cây trồng là vấn đề không thể thiếu được. Song, nhiều nông dân lạm dụng phân bón, thuốc BVTV làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng vùng lúa chất lượng cao ƯDCNC đã giúp nhiều nông dân thay đổi nhận thức chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, từ đó việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV giảm dần”.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, năm 2021, Trung tâm hỗ trợ xây dựng 4 mô hình vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất châu Âu tại 4 huyện vùng Đồng Tháp Mười gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh. Mô hình được thực hiện trong vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, giống lúa sử dụng OM 18 và Jasmine đạt cấp giống xác nhận và áp dụng sạ thưa, sạ hàng và sạ bằng thiết bị bay không người lái.

Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 70% lúa giống và 50% giá thuê dịch vụ thiết bị bay không người lái cho cả vụ sản xuất, nhưng không quá 1,7 triệu đồng/ha. Mục tiêu của mô hình hướng đến là giúp nông dân nhận thức và mạnh dạn chuyển đổi quy trình canh tác lúa theo hướng giảm giống; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất nhằm giảm thất thoát, giảm giá thành; sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng nông sản, tiến tới đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường khẳng định: "Một trong những điểm nhấn trong công tác BVMT tự nhiên đã và đang được tỉnh quan tâm thực hiện tốt trong thời gian qua là việc ƯDCNC vào sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu song hành hài hòa giữa phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững và BVMT. Và đây cũng là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển KT - XH.

Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, kỹ thuật canh tác; tổ chức các lớp tập huấn "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", chuyển giao khoa học - kỹ thuật,...; hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tiếp tục xây dựng các chuỗi sản xuất sạch;... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức người dân và giảm lượng phân bón, thuốc BVTV nhằm BVMT"./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích