Hiệu quả thiết thực
Hàng năm, nông dân huyện Cần Giuộc sản xuất từ 1.400-1.750ha rau màu các loại, cung cấp ra thị trường khoảng 140.000 tấn rau. Tuy nhiên, trước thời điểm năm 2015, việc sản xuất rau tại huyện Cần Giuộc vẫn còn manh mún, nhỏ, lẻ, sản phẩm không có thương hiệu và hầu như chưa đưa được vào hệ thống các nhà hàng, siêu thị. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nông dân không chủ động được thời vụ sản xuất. Mặt khác, trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn chế. Việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với nông dân cũng như chính quyền địa phương.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: Khi bắt tay thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, để thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, huyện tổ chức cho hàng trăm nông dân đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm sản xuất rau ƯDCNC tại tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Song song đó, huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân; mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất rau ƯDCNC.
Hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm khoảng 30% lượng nước tưới, giảm 80% thời gian tưới
Từ các đợt tham quan, tập huấn, những mô hình trồng rau ƯDCNC đầu tiên xuất hiện trên địa bàn huyện như trồng rau xà lách xoong trong nhà màng; chuyển đổi sử dụng các loại phân bón thân thiện với môi trường, ít độc hại như phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh; áp dụng đồng bộ hệ thống nhà lưới, sản xuất theo phương pháp thủy canh và ứng dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp địa phương tiếp tục triển khai nhiều dự án, mô hình nhằm khuyến khích nông dân ƯDCNC vào sản xuất rau màu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. “Năm nay, huyện chọn Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CNC Phước Tiến làm mô hình điểm. Theo đó, HTX sẽ được tỉnh hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất, gồm phân bón hữu cơ và hệ thống tưới tự động cho 1ha rau” - ông Ngô Bảo Quốc thông tin.
Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Phước Tiến - Trần Văn Mến chia sẻ, hiện HTX luân canh sản xuất gần 10ha các loại rau ngắn ngày: Cải, quế, hành lá,... Với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, HTX sẽ đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Văn Thành (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Tôi đã lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn rau khoảng 1.000m2. Chỉ cần bật cầu dao điện, hệ thống tưới sẽ phun nước đều cả khu vườn. Nhờ nhẹ công tưới nước, gia đình có nhiều thời gian hơn để chăm sóc, làm cỏ, nâng cao hiệu quả trồng rau”.
Để tiết kiệm nước và ứng phó với tình trạng hạn, mặn, nhiều nông dân trồng chanh trên địa bàn huyện Bến Lức mạnh dạn đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Anh Đỗ Quang Huế (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) nói: “Trước đây, tưới nước bằng tay hoặc dùng động cơ đặt trên xuồng nhỏ, kéo ống phun nước dọc theo các mương, tôi tốn ít nhất cả tiếng đồng hồ và nhiều tiền xăng, dầu. Còn hiện nay, chỉ cần ngồi một chỗ, bật cầu dao điện, hệ thống sẽ tự động tưới cho vườn cây trong vòng 15-20 phút là xong mà chỉ tốn vài ngàn đồng tiền điện, tiết kiệm chi phí hơn 5 lần so với cách tưới nước bằng động cơ xăng, dầu”.
Cần tiếp tục nhân rộng
Nhiều nông dân khẳng định, hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng mang lại hiệu quả lớn và không quá khó để lắp đặt. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình này trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Nguyên nhân là nông dân thiếu thông tin, kiến thức về mô hình, chi phí đầu tư ban đầu cao. Vì vậy, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân nhân rộng phát triển mô hình, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với sự khuyến khích và hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp, một số nông dân mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng trên quy mô sản xuất lớn. Điển hình là hệ thống tưới phun tự động trên vườn chanh của anh Nguyễn Văn Tươi (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức), phục vụ tưới nước cho 1ha. Anh Tươi cho biết: “Thực hiện mô hình, tôi được ngành Nông nghiệp hỗ trợ khoảng 50% chi phí lắp đặt (khoảng 25 triệu đồng). Tôi khá hài lòng với hệ thống tưới tự động vì thiết kế vừa có thể tưới phun sương, vừa có thể tưới đẫm, qua đó, giúp chủ động điều tiết nguồn nước cung cấp cho chanh tùy theo tình hình thời tiết”.
Anh Nguyễn Văn Thành (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) được hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm vào sản xuất rau
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ, cùng với các địa phương khác, huyện Bến Lức đã và đang tích cực phối hợp các bên liên quan khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện, phát huy hiệu quả thiết thực từ việc hiện đại hóa khâu tưới nước cho cây trồng trên cạn. Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện xây dựng được một số mô hình tưới nước tự động trên cây chanh.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng, nâng cao hiệu suất tưới và góp phần tích cực vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Trong tình hình khí hậu biến đổi phức tạp như hiện nay, để khuyến khích cũng như hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, Sở tham mưu HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, HTX ƯDCNC vào sản xuất. Trong đó, chú trọng hỗ trợ một phần kinh phí để người dân chuyển đổi phương thức tưới nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặc dù hiện nay, các mô hình tưới tiết kiệm vẫn còn khá mới với nhiều nông dân nhưng tin rằng, từ hiệu quả mang lại, trong thời gian không xa sẽ tạo được sự lan tỏa, giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn”.
Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các loại nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các loại nông sản chủ lực như rau, chanh, thanh long,...; đồng thời, bảo đảm chất lượng nguồn nông sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm là một trong những giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ giải phóng được sức lao động cho nông dân mà còn giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận./.
Bùi Tùng