Văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững. Đại hội XIII của Đảng cũng nhất quán quan điểm: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển KT-XH là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để văn hóa - văn nghệ phát triển (Ảnh tư liệu)
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Văn Tình, ngành Tuyên giáo và Văn hóa luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, Tuyên giáo làm nhiệm vụ định hướng nội dung tuyên truyền theo đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước. Từ đó, góp phần đưa công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của quần chúng nhân dân. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, đội ngũ văn nghệ sĩ trong huyện khi tham gia các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi của tỉnh cũng đạt những kết quả nhất định. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được sáng tác, cống hiến các tác phẩm nghệ thuật dưới sự định hướng của Ban Tuyên giáo. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các hoạt động văn hóa - văn nghệ dù không thể tổ chức bằng hình thức trực tiếp nhưng Ban Tuyên giáo linh hoạt, phối hợp tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến,...
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Hưng - Phạm Thị Kiều Phương thông tin, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa - văn nghệ được phát triển trong môi trường lành mạnh. Nhất là trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đội ngũ làm công tác Tuyên giáo có sự thay đổi phù hợp hơn với tình hình thực tế. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Tuyên giáo, Văn hóa thông qua việc làm chủ các kênh tuyên truyền qua các fanpage, các nhóm Zalo,... phát huy tối đa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần định hướng dư luận, bồi đắp tinh thần yêu nước, làm đẹp thêm truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam thông qua các mô hình giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng giữa làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Tạo điều kiện thuận lợi để văn hóa phát triển
Quan tâm đến công tác văn hóa, tỉnh ban hành một số văn bản quan trọng trên lĩnh vực này, nổi bật là Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 38-CTr/TU, ngày 17/10/2014 trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xác định trong NQ số 33 gắn với thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của địa phương.
Các cấp ủy Đảng đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người vào NQ hàng năm và nhiệm kỳ 2015-2020, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, ngành, đơn vị; chỉ đạo từng cán bộ, đảng viên phát huy vai trò gương mẫu trong thực hiện và vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội (Trong ảnh: Tục thả thuyền giấy, cúng Việc lề đầu năm tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường - Ảnh tư liệu)
Trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tỉnh luôn khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Công tác cải cách hành chính trong Đảng được đẩy mạnh, từng bước đổi mới phương thức xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa theo hướng phù hợp với thực trạng phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh; bảo đảm các hoạt động văn hóa của tỉnh phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; tôn trọng, phát huy khả năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán cho biết, những năm qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa có sự đổi mới. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân hưởng ứng tích cực, ngày càng phát triển trên diện rộng và đi vào chiều sâu. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động văn hóa, thể thao, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) từng bước xây dựng môi trường văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, hộ gia đình,... Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh từ nông thôn đến thành thị theo hướng văn minh, hiện đại; xây dựng con người phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ý thức xây dựng môi trường văn hóa, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di sản, giá trị văn hóa trong nhân dân được nâng lên, góp phần hạn chế tác động tiêu cực từ các sản phẩm văn hóa độc hại, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Các gương người tốt, việc tốt; gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều. Hoạt động văn hóa - văn nghệ của tỉnh ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và thể loại.
Ngoài ra, công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa bước đầu được đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Các lễ hội được tổ chức chu đáo, phù hợp với phong tục, tập quán và quy định của pháp luật. Các loại hình vui chơi, giải trí, văn hóa - văn nghệ phát triển phong phú, đa dạng, lành mạnh tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với hoạt động xúc tiến du lịch chuyển biến rõ nét, bước đầu thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa được củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác văn hóa trong tình hình mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nhân cách và đạo đức, lối sống trong nhân dân.
Thời gian tới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện với nhiều cơ hội lẫn khó khăn, thách thức, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa. Vì vậy, tỉnh cần phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc tiếp tục thực hiện NQ số 33 gắn với các chương trình, kế hoạch thực hiện NQ của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm sai trái tác động xấu đến việc xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người./.
Song Nhi