Tiếng Việt | English

03/03/2022 - 12:45

Về Châu Bình nhớ sự tích 'Ông Cả Cọp'

Bất cứ ai là dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều biết về sự tích “Ông Cả Cọp” ở xã Châu Bình. Đó là chuyện của một con cọp làm Hương cả của làng Châu Bình. Bạn của tôi là anh Huỳnh Phúc Hậu - phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bến Tre, chia sẻ, mấy chục năm sinh sống và định cư tại mảnh đất Giồng Trôm, từ nhỏ, anh và mọi người nơi đây được nghe người xưa kể về sự tích “Ông Cả Cọp”. Đây là một trong những giai thoại đặc sắc, được truyền tụng trong quá trình ông cha ta khai hoang, di dân lập ấp tại vùng đất Bến Tre khi xưa.

Những trang sử đầu tiên của cư dân xứ sở cù lao này là “đánh cọp, đuổi sấu”. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết, đất Bến Tre có nhiều cọp, được phản ánh qua nhiều truyện kể dân gian như Truyện ông Gốc, Truyền thuyết về Cồn Tàu, Truyện nghĩa hổ, Bà mụ cọp,... Thời đó, cọp được mệnh danh là "ông ba mươi" vì thuở ấy, quan trên đặt ra giải thưởng “Ai giết cọp, đem xác cho quan trên thấy thì được thưởng 30 quan tiền”. Sau khi giết cọp, người dân vẫn sợ, cất miễu thờ. Chức Đại Hương Cả (người đứng đầu ban hội tề, cai quản một làng) ai cũng ham vì Đại Hương Cả được hưởng xôi thịt khi cúng Kỳ yên và được quyền quyết định tối hậu trong mọi vụ xử kiện. Riêng làng Châu Bình cử người nào vào chức Đại Hương Cả thì ngay đêm hôm sau, cọp đến nhà cõng người ấy vào rừng, bỏ lại cái xác máu me lênh láng. Chức vụ Đại Hương Cả mặc nhiên để trống, chẳng ai dám nhận lãnh.

Chuyện về cọp có nhiều giai thoại, trong đó có chuyện của một con cọp làm Hương Cả của làng Châu Bình

Các hương chức suy luận: “Phải chăng vì cọp là Chúa sơn lâm nên muốn lãnh phần xôi thịt ấy? Bây giờ muốn biết thì phải thí nghiệm một lần cho biết”. Ở đầu làng có cây đa cổ thụ rất linh thiêng, hàng chục kỳ lão trong làng ăn mặc chỉnh tề mang theo đầu heo và tờ cử viết trên giấy cuốn tròn trong ống tre nhỏ để dưới gốc đa, các kỳ lão đến trước cây đa khấn vái, yêu cầu “ông Cọp” nhận lãnh phần xôi thịt. Nếu quả thật ông Cọp muốn đòi chức Đại Hương Cả thì dân làng sẵn sàng dành cho cái danh dự tối cao ấy. Xong, các kỳ lão rút lui, ai về nhà nấy. Sáng hôm sau, cái đầu heo và cả tờ cử đã mất, dưới đất hãy còn rành rành móng cọp, đủ móng trước, móng sau.

Thế là, trong mỗi cuộc nhóm họp tại công sở, hương chức làng luôn dành một cái ghế bỏ trống, rót dư một chung rượu, gọi là dành riêng cho ông Hương Cả Cọp. Năm sau, vào đúng ngày tái nhóm để bầu cử hương chức hội tề, hiện tượng lạ lùng là cái đầu heo và tờ cử cũng biến mất, có nghĩa là Hương Cả Cọp đồng ý lãnh trách nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Gốc đa trở nên linh thiêng, dân làng đã góp tiền xây miễu nhỏ ngay dưới gốc đa để thờ cúng Cả Cọp, họ cúng cho miễu một cái trống chầu thật to,...

Một góc trang trại sản xuất rượu Cả Cọp ở xã Châu Bình ngày nay

Truyện Cả Cọp giờ chỉ còn trong tiềm thức người già, trong câu chuyện kể cho trẻ con. Anh Hậu thông tin, ngày nay, tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (xưa gồm Châu Bình thôn và Bình Khương thôn), chủ trang trại Bình Khương thôn đã cố công nghiên cứu hàng chục năm trời từ các hậu duệ của người xưa làm rượu ngon dâng Cả Cọp. Rượu Cả Cọp như một lời tri ân cho người tiền nhân đi mở cõi, rượu ngon dâng gia tiên trong những ngày hiếu, hỷ, lễ, tết, mong đất trời mưa thuận gió hòa, mong con cháu chăm chỉ học hành thành đạt vinh hiển, mong cho tấn tài tấn lộc. Rượu Cả Cọp Bình Khương thôn được UBND tỉnh đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2019 và đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019 và 2021.

Lại nhắc về mảnh đất Châu Bình, địa phương này 2 lần vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng, đó là vào năm 1995 được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2005 là Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Châu Bình còn là xã đầu tiên của tỉnh Bến Tre được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2014./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết