Tiếng Việt | English

10/12/2021 - 09:17

Về Nhựt Tảo, nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Trong lịch sử chống ngoại xâm vào nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu. Ông tham gia chống Pháp từ những năm đầu tiên thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Một trong hai chiến công lừng lẫy của ông là đốt cháy tàu L’Espérance - tàu Hy vọng của Pháp tại Vàm Nhựt Tảo ngày 10/12/1861.

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa”

Lúc còn nhỏ, chúng tôi được người lớn kể cho nghe nhiều câu chuyện về cụ Nguyễn Trung Trực như một huyền thoại về lòng yêu nước của dân ta. Từ lòng kính yêu vị Anh hùng dân tộc, ở Nam bộ, có nhiều gia đình thờ Nguyễn Trung Trực hoặc treo ảnh chân dung ông ở vị trí trang trọng trong nhà.

Nguyễn Trung Trực người gốc Bình Định. Sau khi thực dân Pháp nhiều lần đánh phá duyên hải Trung bộ, gia đình ông phiêu bạt vào Nam định cư tại tỉnh Long An. Đến khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam kỳ, ông là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ phất cờ khởi nghĩa, tụ họp nghĩa quân kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ngày 10/12/1861, dưới sự giúp đỡ của nhân dân và hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng với nghĩa quân đốt tàu chiến L’Espérance được xem là hiện đại lúc bấy giờ của thực dân Pháp.

Chiến thắng này là minh chứng lòng yêu nước, ý chí quật cường của người dân Nam bộ, cũng là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên, duy nhất đánh chìm được một tiểu hạm của Pháp trong phong trào kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX.

Sau trận đánh đó, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân chống Tây trên khắp mặt trận miền Đông, miền Tây Nam bộ, lập nên những chiến công vang dội làm cho quân thù bạt vía. Đỉnh cao của lòng yêu nước được Nguyễn Trung Trực dõng dạc nói trước pháp trường: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Câu nói đó trở thành bất hủ. Có thể nói, trận đánh trên Vàm Nhựt Tảo đã tạo niềm tin cho dân ta, trở thành “mồi lửa” châm ngòi cho những cuộc đấu tranh chống Pháp lan tỏa và trở nên mạnh mẽ hơn.

Ngày nay, về xã Tân Bình, huyện Tân Trụ mà chưa đến thăm Khu di tích Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công hiển hách của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thì quả là một thiếu sót… Mượn hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt, ca ngợi vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình xúc động: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần/ Trời Nam rực sáng gương tiết liệt/ Tượng đài Trung Trực giữa lòng dân/ Sanh vi tướng tử vi thần/ Cầu vồng bảy sắc ánh hồng chói chang/ Ngàn năm trung nghĩa đá vàng/ Linh thần thượng đẳng sắc ban phẩm ngời”. Những câu thơ ấy được đặt trang trọng tại Nhà trưng bày bên trong Khu di tích.

Hình ảnh trưng bày về Nguyễn Trung Trực tại Khu di tích

Tiếp nối truyền thống

Không có gì xúc động cho bằng khi được tận mắt chứng kiến những mảnh gỗ, mảnh sắt còn sót lại của chiến hạm L’Espérance bị Nguyễn Trung Trực đánh chìm cách đây 160 năm - lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chống Pháp của phong trào Cần Vương, quân ta tấn công và đánh chìm một chiến hạm của Pháp. Khu di tích Vàm Nhựt Tảo được xây dựng tại xã Tân Bình với diện tích 6ha.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đền làng Nam bộ, bao gồm gian thờ chính và 2 gian thờ phụ. Gian thờ chính thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, gian phụ bên phải thờ các tướng lĩnh, gian phụ bên trái thờ các nghĩa quân vong trận. Bức tượng bán thân bằng đồng Nguyễn Trung Trực với nét uy nghiêm, khí tiết của một trang anh hùng vì nước quên mình.

Trong khuôn viên còn có nhà văn bia ghi lại chiến công tại Vàm Nhựt Tảo của ông nhằm lưu danh hậu thế. Mô hình chiến hạm Hy Vọng được đặt giữa sân Khu di tích như một lời nhắc nhở hậu thế về chiến công oanh liệt năm xưa. Hiện tại, khu vực bờ kè sông vừa được xây lại. Đến khu di tích, du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu về người anh hùng mà còn cảm nhận được sự yên bình. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến tiềm năng cho tuyến du lịch đường sông từ TP.HCM về Long An.

Khu di tích Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu trận chiến năm xưa

Tháng 02/2020, xã Tân Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Mỹ Bình và An Nhựt Tân (2 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới). Sau khi sáp nhập, xã có 7 ấp với dân số gần 11.000 người. Phát huy tinh thần yêu nước, Đảng bộ, chính quyền, người dân xã Tân Bình vượt khó, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương.

Bí thư Đoàn xã - Hồ Ngô Cẩm Quyên chia sẻ: “Tôi và người dân nơi đây cảm thấy tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống - nơi gắn liền với trận chiến Vàm Nhựt Tảo hào hùng năm xưa. Noi gương cụ Nguyễn, tôi thường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các bạn trẻ sống, làm việc có ích cho quê hương, đất nước”.

Vào những dịp lễ, tết, Đoàn xã huy động đoàn viên, thanh niên, học sinh tổ chức ra quân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, trồng cây xanh,... khu vực quanh khu di tích. Đồng thời, Đoàn xã cũng tổ chức những chuyến Về nguồn tại đây để thắp hương, tìm hiểu, tưởng nhớ công ơn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Ngày nay, vùng đất nơi ghi dấu chiến công của người anh hùng có nhiều đổi mới. Kết cấu hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá hiện đại và đồng bộ. Xã có Đường tỉnh 832 là tuyến đường huyết mạch trong việc phát triển kinh tế. Từ tuyến đường này, người dân có thể đi huyện Bến Lức, TP.HCM, TP.Tân An, thuận tiện cho lưu thông, trao đổi hàng hóa và đang phát triển 2 khu, cụm công nghiệp tại địa phương. Xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu về đích vào cuối năm 2021.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Ngọc Thanh Phương cho biết, xã có nguồn lao động dồi dào là nguồn lực lớn để khai thác tiềm năng đất đai, cung cấp nguồn lao động cho các công ty, xí nghiệp. So với những năm trước, người dân bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang thanh long và các loại cây ăn quả khác, số khác đi làm trong các công ty, xí nghiệp. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực. Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, xã còn 37 hộ nghèo, chiếm 1,27%; 62 hộ cận nghèo, chiếm 2,13%. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 5 trường học đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Tiểu học Nhựt Tảo đạt chuẩn mức độ 2, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

“Sau khi tập trung thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, UBND xã tự đánh giá đạt 4/5 nhóm tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, sự ủng hộ của người dân, chúng tôi quyết tâm hoàn thiện tiêu chí khó để về đích. Phát huy kết quả trong những năm qua, xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kết hợp các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng xã Tân Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh; đồng thời, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương,... một cách xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng” - ông Phương nói.

Vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã đi vào lịch sử, đi vào tâm khảm người dân Nam bộ như một tượng đài giữa lòng dân. Về vùng đất Tân Bình để nghe hậu thế kể chuyện về ông./.

Nguyễn Trung Trực (Nguyễn Văn Lịch) xuất thân là chàng trai làng chài ở Xóm Nghề, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Từ thuở thiếu niên, ông đã chứng tỏ bản thân là người giỏi võ nghệ, khiêm nhường lại có lòng căm thù giặc sâu sắc. Khi giặc Pháp từng bước xâm chiếm Nam kỳ, Nguyễn Trung Trực về đầu quân cho Trương Định.

Kỷ niệm 160 năm chiến thắng Vàm Nhựt Tảo (10/12/1861 – 10/12/2021), Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh dự kiến tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo. Từ đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc; bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự cường dân tộc.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho khách thập phương có dịp đến thắp hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; đồng thời, giới thiệu, quảng bá Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo để thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết