Tiếng Việt | English

25/07/2018 - 11:39

Về thăm thành cổ Quảng Trị

Nhân dịp công tác ra miền Bắc, đoàn chúng tôi hành hương về Thành cổ Quảng Trị, địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Internet

Dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Internet

Hòa cùng dòng người vào dâng hương Thành cổ, chúng tôi cảm nhận được sự thành kính của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ. Hướng dẫn viên truyền tải đến du khách một cách chân thực về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) tại đây, khiến nhiều người không ngăn được sự xúc động. Thời gian đó, quân Mỹ quyết giành lấy Quảng Trị, chúng đem bom đạn ném xuống khu vực này. Quân đội ta vẫn nêu cao quyết tâm, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương. Cuộc chiến giữ lấy Thành cổ Quảng Trị như một huyền thoại.

“Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ

Vui gì hơn làm lính tân binh

Mũ mang sao, miệng cười chúm chím

Ánh hào quang tỏa sáng niềm vui

Miền Bắc lên đường khi miền Nam gọi

Ta lên đường theo ánh sáng tương lai...”

(Liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - Lá thư thời chiến)

Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người chiến sĩ cũng lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng “... Đi trên đê cảm thấy đẹp vô cùng. Qua hai ngôi trường rực màu khăn quàng đỏ. Bao nhiêu ánh mắt trông theo. Chào các em! Anh ra đi cho các em mai sau…” (liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn). Trong một ngày, các chiến sĩ ta phải đánh địch phản kích từ 5-7 lần, có khi hơn 10 lần, cuộc chiến ở đây diễn ra rất ác liệt đến nghẹt thở:

“Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken đầy bom đạn

Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông”

(Phạm Đình Lân)

Về đây, quên sao được dòng sông Thạch Hãn chảy lặng lẽ qua thị xã Quảng Trị. Đây là một trong những nút giao thông quan trọng chuyển những người con ưu tú của miền Bắc ruột thịt vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Để chặn tuyến đường huyết mạch này, Mỹ huy động hàng loạt máy bay, biến thành cổ và dòng Thạch Hãn thành “túi bom” khổng lồ. Mỗi ngày, có khoảng 1 đại đội qua sông và không bao giờ trở về nữa! Dòng Thạch Hãn trở nên linh thiêng bởi ẩn trong đó là biết bao chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi, cố bám trận địa, chiến đấu bảo vệ thành. Và dòng Thạch Hãn được ví như nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ! Hàng năm, vào ngày 27/7, người dân lại về đây thả những bông hoa tưởng niệm với niềm tiếc thương vô hạn:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm”.

(Lê Bá Dương)

Chiến tranh đã lùi xa. Thành cổ Quảng Trị một thời máu lửa nay đã thành đô thị trẻ sầm uất bên dòng sông Thạch Hãn. Thành cổ trở thành nơi về nguồn thiêng liêng, là cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Võ Thanh Nghị

Chia sẻ bài viết